Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam niêm yết thành công trên sàn chứng khoán nước ngoài và duy nhất trên sàn Mỹ vào 18.9.2009. Tuy nhiên, lên sàn thì dễ mà đứng vững mới khó. Bằng chứng là Cavico vừa bị Sàn Giao dịch Nasdaq (Mỹ) cảnh báo về việc sẽ hủy niêm yết nếu không đáp ứng điều kiện về giá cổ phiếu trong 6 tháng tới.
Tự làm khó mình
Cổ phiếu của Cavico (mã CAVO) đã được giao dịch dưới 1 USD/cổ phiếu trong 30 ngày liên tiếp (14.5-14.6.2011). Điều này đã vi phạm Luật 5450 của Sàn Nasdaq. Ngoài việc cảnh báo hủy niêm yết, sàn này cũng yêu cầu Công ty khắc phục tình hình trong 6 tháng. Nếu đến ngày 14.12.2011, CAVO không vượt qua giá 1 USD/cổ phiếu trong ít nhất 10 ngày liên tiếp thì sẽ bị hủy niêm yết.
Cavico là công ty tư nhân trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản với các ngành nghề chính là xây dựng công trình ngầm, đập thủy điện, cầu, đường giao thông, nhà cao tầng. Năm 2006, Cavico đã sáp nhập với Agent155 Media Group, một công ty truyền thông Mỹ đã niêm yết, để được niêm yết trên sàn phi tập trung (OTC) Pink Sheets (Mỹ), sau đó chuyển qua sàn OTC Bulletin Board (OTCBB) năm 2008. Đây là bước đệm để Cavico thực hiện tham vọng niêm yết trên Nasdaq.
Cavico cũng bỏ ra xấp xỉ 1,5 triệu USD cho hành trình niêm yết này (gồm phí tư vấn, phí kiểm toán quốc tế, phí dự phòng, phí thực hiện sáp nhập với Agent155) và xúc tiến thực hiện việc gộp cổ phiếu.
Cavico có trên 20 công ty con, trong đó có 3 doanh nghiệp đã niêm yết ở Việt Nam là Công ty Cổ phần Cavico Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV), Cavico Xây dựng Nhân lực và Dịch vụ (CMS) và Cavico Khoáng sản và Công nghiệp (CMI). Với quy mô trên, cùng với việc là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn ngoại, Cavico đáng lẽ ra có triển vọng rất lớn. Thế nhưng, Cavico đã tự làm khó mình khi để uy tín ngày càng suy giảm và xa rời nhà đầu tư vì thông tin mù mờ.
Chúng tôi đã gặp trực tiếp một nhà đầu tư của Cavico để làm rõ hơn điều này. Nhà đầu tư này (không muốn nêu tên) nắm giữ 4.500 cổ phiếu Cavico với giá 9.000 đồng/cổ phiếu trước khi Công ty thực hiện gộp cổ phiếu (nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành, tăng giá trị). Sau khi Cavico gộp cổ phiếu và niêm yết trên Sàn Nasdaq vào 18.9.2009, số cổ phiếu nhà đầu tư nói trên nắm giữ còn 2.250 đơn vị. Từ đó đến nay, số cổ phần này không hề thay đổi.
“Cổ phiếu của Cavico hầu như không có giao dịch nên không bán cho ai được. Họa may lắm mới có người mua nhưng họ chào giá chưa bằng mệnh giá”, vị này cho biết.
Theo nhà đầu tư trên, tình hình kinh doanh của Cavico có vẻ không tốt. Hằng năm, Công ty có gửi tài liệu thông báo tình hình kinh doanh cho cổ đông. Tuy nhiên, những thông tin này gần như không có giá trị vì khó kiểm chứng. Ông cũng đưa cho chúng tôi xem bản báo cáo tình hình kinh doanh năm 2009 của Công ty mà tới tháng 4.2011 ông mới nhận được. Còn báo cáo hoạt động năm 2010 thì đến nay vẫn chưa thấy.
Ngoài ra, mặc dù Cavico hoạt động ở Việt Nam nhưng trụ sở chính lại đặt ở Mỹ. Do đó nhà đầu tư ở Việt Nam rất khó theo dõi và kiểm soát thông tin. Đây là lý do chính khiến cổ phiếu Cavico trong nước không có giao dịch. “Nếu trước kia, khi Cavico chưa niêm yết trên Sàn Nasdaq, đầu tư vào Công ty 1 tỉ đồng thì giờ đây nhà đầu tư mất trắng”, vị này nói.
Lên sàn ngoại: Dễ mà khó
Các quy định khi niêm yết trên sàn ngoại khá thoáng, nhưng để đứng vững là điều không dễ. “Niêm yết trên thị trường nước ngoài có vẻ vững chắc, tuy nhiên đó có thể chỉ là cảm giác”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, nhận xét.
Sàn Nasdaq vốn là sân chơi cho những công ty công nghệ cao từ khi mới thành lập. Đặc điểm ngành này là doanh nghiệp nhỏ và chấp nhận mạo hiểm. Bên cạnh đó, hoạt động lướt sóng cổ phiếu diễn ra rất mạnh trên sàn này, cũng là tính chất chung của thị trường chứng khoán Mỹ.
Xét về lâu dài, hoạt động kinh doanh của Cavico không phải là vượt trội nên khó đứng vững trước quy luật sàng lọc khắc nghiệt của Nasdaq, nhất là khi số doanh nghiệp niêm yết trên sàn này đã vượt con số 10.000. Vì thế, theo ông Hiển, việc niêm yết của Cavico trên Sàn Nasdaq không được đánh giá cao.
Để đứng vững trên sàn nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến thương hiệu, chiến lược tốt và tự tin về quản trị. Ông Hiển cho rằng, nếu đảm bảo tốt các điều này thì dù niêm yết trên Sàn HoSE cũng tốt hơn Nasdaq. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đủ khả năng lại chưa muốn niêm yết trên sàn quốc tế. Bởi lẽ, nếu vội vàng hoặc chưa đủ thực lực, việc niêm yết trên sàn ngoại như trường hợp Cavico sẽ gây nhiều bất lợi. Cái bất lợi thấy rõ nhất là làm xấu đi hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài nếu hoạt động không hiệu quả.
Các quy định niêm yết trên Sàn Nasdaq khá thoáng nhưng quy luật phân loại cổ phiếu mạnh mẽ nơi đây sẽ bóp chết những doanh nghiệp yếu kém. Có thể thấy, không chỉ Cavico, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng nhận được cảnh cáo hủy niêm yết từ Sàn Nasdaq. “Sàn Nasdaq cảnh báo Cavico như vừa qua là bình thường. Thậm chí khả năng Cavico bị hủy niêm yết là rất cao”, ông Hiển nói.