Vì sao 23.050 đồng/đô la Mỹ?
Tỷ giá hối đoái bắt đầu biến động từ ngày 18-6-2018, nhưng hai tuần sau, ngày 2-7-2018 NHNN mới chính thức có ý kiến khi ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, phát biểu sẽ can thiệp thị trường thông qua bán ngoại tệ nếu cần thiết. Ngày hôm sau, Sở Giao dịch NHNN niêm yết giá bán ra 23.050 đồng/đô la Mỹ. Tất nhiên với mức giá bán ra đó, các tổ chức tín dụng chưa đăng ký mua ngay, đơn giản vì họ còn có thể mua bán với nhau trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng với giá trên dưới 23.000 đồng/đô la Mỹ.
Trong hai tuần cuối tháng 6 mà NHNN chủ động “im lặng” đó, tỷ giá liên ngân hàng đi dần từ 22.810 đồng lên 23.020 đồng/đô la Mỹ, tương đương tiền đồng mất giá 0,92%. Từ đầu năm đến nay, NHNN luôn niêm yết giá mua vào đô la Mỹ ở mức 22.700 đồng. Ngay cả những thời điểm ngoại tệ dội chợ, tỷ giá liên ngân hàng thấp hơn mức trên, nhà điều hành vẫn kiên định giữ nguyên giá mua vào để bình ổn thị trường.
Như vậy 22.700 đồng/đô la đã chứa đựng trong nó những toan tính của mức ấn định trong một thị trường lặng sóng. Giờ đây khi ấn định mức tỷ giá mới 23.050 đồng, tăng 1,54% so với mức ấn định cũ, NHNN muốn truyền tải thông điệp gì tới thị trường?
Thông điệp đầu tiên đô la Mỹ lên giá 1,54% so với tiền đồng trong nửa đầu năm là hợp lý. Nếu tỷ giá giữa đô la Mỹ và các ngoại tệ mạnh còn biến động theo hướng đô la Mỹ tiếp tục lên giá, thì không loại trừ khả năng nửa cuối năm đồng Việt Nam có thể mất giá thêm chừng đó nữa. Đây có thể là mức tối đa và không nhất định phải sử dụng hết. Khoảng 3% là mức chịu đựng được của tiền đồng trong một thế giới tài chính đầy rối ren và biến đổi khôn lường.
Thông điệp thứ hai là NHNN chủ động tạo dư địa 50 đồng/đô la Mỹ cho tỷ giá liên ngân hàng dịch chuyển. Bộ phận kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng rất hiểu ý định ngấm ngầm này. Họ lập tức nới khoảng cách niêm yết mua bán đô la lên 100 đồng. Những ngày trước, khoảng cách này là 65-70 đồng, còn từ tháng 5-2018 trở về trước tầm 30 đồng. Giá mua đô chuyển khoản của ngân hàng chắc chắn sẽ luôn dưới 23.050 đồng. Nếu lên tới mức này, họ sẽ mua của NHNN. Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 11 tỉ đô la Mỹ. NHNN chỉ cần bán ra 2-3 tỉ đô la Mỹ là cầu ngoại tệ tụt áp liền.
Sự tương tác gần 1,54% và 1,85%
Các ngân hàng cho biết họ vẫn cân đối được cung cầu ngoại tệ ở mức giá niêm yết. Hỏi vì sao để khoảng cách giá mua giá bán xa thế? Câu trả lời là “sao hỏi khó vậy?”. Thực tế các tổ chức tín dụng cũng muốn cải thiện lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối, vốn ở mức thấp từ nhiều tháng qua và suốt cả năm ngoái.
Trong khi đó, trên thị trường tự do tỷ giá mua vào/bán ra ngày 10-7 là 23.170-23.190 đồng/đô la Mỹ. Khoảng cách giá bán – giá mua vẫn duy trì mức 20 đồng. Hai tháng trước, các bàn thu đổi ngoại tệ thị trường tự do vẫn gom đô la Mỹ và mang vào bán cho các ngân hàng khi cung vượt cầu. Nay bản thân thị trường tự do tự cân đối được và họ không mang vào bán cho ngân hàng nữa.
Cả NHNN và các tổ chức tín dụng đều tích cực để mắt đến tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ. Theo CNBC, từ đầu năm nay đến ngày 10-7-2018 nhân dân tệ mất giá 1,85% so với đô la Mỹ, từ 6,5 lên 6,62 tệ/đô la. So sánh sự trượt giá của tiền đồng 1,54% và 1,85% của nhân dân tệ so với đô la Mỹ, mới thấy sự tương tác cũng đã rất gần. Còn nếu tính theo giá niêm yết bán ra của các ngân hàng quanh 23.070-23.080 đồng, sự tương tác đã là 1,68% và 2,04%.
Theo Bloomberg, các định chế tài chính quốc tế nhận định Trung Quốc sẽ khó phá giá đồng nhân dân tệ qua mức 6,8 tệ/đô la mà bằng chứng là nước này vừa qua đã can thiệp khi đồng tệ trượt giá về 6,7 tệ/đô la. Rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ mà Trung Quốc đánh thuế trả đũa 25% sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ bởi đó là nguyên liệu đầu vào sản xuất. Sự mất giá của đồng tệ chỉ làm cho sự tổn hại trầm trọng thêm. Hơn nữa, một đồng tệ mất giá cao sẽ đẩy hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc với các khoản nợ vào thế phá sản. Đồng tệ trượt giá thúc đẩy dòng vốn nước ngoài rời bỏ thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn đã giảm 14,5% từ đầu năm đến nay.
Nhìn ở tầm xa hơn, trong cuộc chiến tranh thương mại quy mô này, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ thiệt thòi hơn Mỹ. Đó chẳng phải là “trong rủi có may” đối với vận nước của chúng ta sao? Nếu chúng ta tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn cải thiện môi trường đầu tư, khoan sức dân và doanh nghiệp, chống và ngăn chặn tham nhũng, cải cách thể chế thì cơ hội thực sự đang chờ Việt Nam.