Biến động giá tiền ảo quá mạnh và tin tức về trộm cắp và lừa đảo liên quan đến tiền ảo đã dẫn đến việc một số quốc gia siết chặt, thậm chí cấm giao dịch tiền ảo.
“Vấn đề đặt ra là phải đưa tiền ảo vào lĩnh vực tài chính chính thống và tạo điều kiện cho sự phát triển thực sự của công nghệ blockchain và các ứng dụng của nó”, ông Claudia Buch, Phó Chủ tịch Bundesbank cho biết.
Bà Kim Larkin, luật sư tài chính doanh nghiệp của công ty cố vấn luật Charltons, cho biết, quản lý tiền ảo một cách hợp lý và hiệu quả sẽ giúp chúng ta phân biệt giữa ICO hợp pháp và gian lận. Vì vậy, việc thiếu các quy định hiện hành đang làm suy yếu các công ty phát hành ICO hợp pháp.
Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia trung tâm của cuộc cách mạng tiền ảo, đang ở 2 thái cực đối nghịch về vấn đề quản lý, nhưng cả hai đều có quan điểm chính sách riêng về quản lý tiền ảo.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước duy nhất áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn đối với các ICO và các giao dịch thương mại bằng tiền ảo. Lệnh cấm áp dụng vào tháng 9 năm 2017 đã chấm dứt ngay lập tức ICO trong nước. Thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào thời điểm đó ước tính rằng khoảng 90% ICO của Trung Quốc là lừa đảo, tạo ra động lực thực sự để kiểm soát hoạt động này.
Mặc dù việc Trung Quốc rà soát ICO và giao dịch tiền ảo trong bối cảnh gian lận phổ biến là điều dễ hiểu, nhưng nước này cũng bị chỉ trích vì đã làm giảm vai trò chi phối của Trung Quốc trong mảng kinh doanh tiền ảo. Tuy nhiên, Trung Quốc không phản đối ý tưởng tiền ảo và đang nghiên cứu phát triển đồng tiền điện tử của riêng mình.
Trong khi đó, Nhật Bản đã trở thành cơ quan thẩm quyền đầu tiên hợp pháp hóa bitcoin như một phương tiện thanh toán vào tháng 4 năm 2017, đồng thời cũng coi tiền ảo là tài sản. Khoảng 10.000 công ty Nhật Bản hiện nay chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, bao gồm cả hãng hàng không giá rẻ lớn nhất.
Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản đã phản ứng trước vụ trộm cắp bitcoin trị giá 437 triệu USD từ sàn giao dịch Mt Gox năm 2014 bằng cách áp dụng các quy định rõ ràng để quản lý các giao dịch tiền ảo, thay vì cấm hoàn toàn. Nhật Bản cũng đánh thuế tiền ảo và các ước tính về thuế thu được từ các doanh nghiệp kinh doanh tiền ảo khoảng 1 nghìn tỷ JPY (9,18 tỷ USD).
Cách tiếp cận phổ biến nhất là quản lý tiền ảo và ICO bằng các luật và quy định hiện hành. Đây là cách tiếp cận ở Hồng Kông, Mỹ, Anh và Singapore, mặc dù Singapore đang xây dựng một Dự luật về các dịch vụ thanh toán mới, qua đó áp dụng các yêu cầu về cấp phép đối với nền tảng giao dịch tiền ảo.
“Vấn đề là các quy định tài chính hiện tại đã được ban hành trước khi ICO ra đời và cố gắng ép tiền ảo vào các khuôn khổ này là không có hiệu quả”, bà Larkin cho biết.
Hàn Quốc, quốc gia giao dịch tiền ảo lớn thứ ba sau Nhật Bản và Mỹ, đã cấm ICOs vào tháng 9 năm 2017, nhưng không cấm giao dịch tiền ảo. Thay vào đó, chính quyền Hàn Quốc đã đưa ra những hướng dẫn quản lý giao dịch tiền ảo vào tháng 1 năm 2018 để ngăn chặn tình trạng giao dịch nặc danh, và đưa ra hướng dẫn chống rửa tiền đối với tiền ảo. Gần đây nhất, chính phủ Hàn Quốc đã nói rằng họ ủng hộ “các giao dịch thông thường” đối với tiền ảo.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Nga đã công bố bản dự thảo luật liên bang vào ngày 25/1/2018 để hợp pháp hóa tiền ảo và cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch được cấp phép. Tuy nhiên, Nga sẽ không công nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán hợp pháp.
Trong khi các nền kinh tế phát triển hành động chậm hơn, thì các nền kinh tế nhỏ và mới nổi đang cố gắng thể hiện mình là một môi trường thân tiện vói tiền ảo. Belarus đã hợp pháp hoá tiền ảo và ICO, và tuyên bố các hoạt động liên quan đến việc tạo và bán token số và đào tiền ảo sẽ được miễn thuế cho đến năm 2023. Campuchia đang tìm cách hợp pháp hóa và quản lý giao dịch tiền ảo như một cách để thúc đẩy tăng trưởng. Malta đã đưa ra đề xuất cho một cơ quan mới chứng nhận nền tảng blockchain và xác minh các giao dịch tiền ảo.
Ông Andrea Enria, Giám đốc điều hành của Cơ quan Quản lý Ngân hàng Châu Âu cho biết: Gần đây, một số ngân hàng trung ương đã lập luận rằng tiền ảo thiếu sự ủng hộ pháp lý của một ngân hàng trung ương và không có các chức năng truyền thống của đồng tiền.
“Tôi vẫn chưa bị thuyết phục rằng đây là một lập luận đủ mạnh để quản lý hoàn toàn tiền ảo”, ông Andrea Enria nói và nhấn mạnh, một sự mở rộng quá mức của phạm vi quản lý nhiều khả năng không phải là một giải pháp tối ưu. Điều đó sẽ có nguy cơ hạn chế quá mức đối với đổi mới tài chính, vì gánh nặng tuân thủ đặt lên vài các ngân hàng là không bền vững cho các công ty khởi nghiệp nhỏ.