Trước khi vụ cháy chung cư Carina xảy ra, giá của NBB trên sàn dao động quanh ngưỡng 25.000 đồng/cổ phiếu. NBB có vốn điều lệ hơn 975 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu lưu hành là 97,5 triệu cổ phiếu.
Như vậy, với mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu thì vốn hoá của NBB rơi vào khoảng hơn 2.400 tỷ đồng. Kể từ ngày 23/3, thời điểm xảy ra hoả hoạn tại Carina, đến ngày 28/3, NBB đã giảm kịch sàn 4 phiên liên tục và khi đóng cửa phiên ngày 28/3, NBB chỉ còn hơn 19.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn hoá chỉ còn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhẩm tính sơ sơ thì trong 4 phiên gần đây, mỗi ngày giá trị vốn hoá của NBB “bay” khoảng 100 tỷ đồng. Thị trường luôn luôn đúng, NBB hay Hùng Thanh là chủ đầu tư thực sự của Carina, thì cổ phiếu của NBB cũng đã giảm sàn, gắn liền với thiệt hại của các nhà đầu tư, cổ đông…
Nhìn vào giao dịch của NBB trước ngày 23/3, có thể dễ dàng nhận ra sự kém ổn định về thanh khoản. Có những phiên như ngày 12 và 13/3, khối lượng giao dịch của NBB đạt lần lượt hơn 200.000 cổ phiếu và hơn 400.000 cổ phiếu, rồi cũng có phiên như ngày 21/3, dù NBB tăng giá 500 đồng/cổ phiếu lên 25.500 đồng/cổ phiếu thì chỉ có 180 cổ phiếu khớp lệnh.
Điều này minh chứng rằng NBB hiện không phải là nhóm cổ phiếu phù hợp với số đông, thu hút dòng tiền, mà ngược lại, là cổ phiếu có tính “chọn lọc” nhà đầu tư khá cao. Với thanh khoản thiếu ổn định như vậy, lướt sóng ngắn hạn là rất khó, vậy nên chỉ những ai mua, giữ dài hạn mới có nhiều cơ hội, tuy nhiên, nhìn giá cổ phiếu lao dốc những ngày qua có lẽ cổ đông NBB cũng không khỏi cảm thấy hoang mang.
Trong 3 phiên các ngày 23, 26 và 27/3, đã có khoảng 150 lệnh bán NBB được tung ra với tổng khối lượng đặt bán khoảng 1,7 triệu cổ phiếu, nhưng trong thực tế chỉ có hơn 30.000 cổ phiếu khớp lệnh, nghĩa là cứ đem khoảng 60 cổ phiếu ra bán thì mới “chạy” thành công được 1 cổ phiếu và thu tiền về.
Mãi đến phiên 28/3, thanh khoản của NBB mới có sự đột biến khi đạt hơn 1,23 triệu cổ phiếu, tuy vậy đóng cửa phiên vẫn là giảm sàn tại mức 19.200 đồng/ cổ phiếu. Theo dõi biến động của NBB trong phiên sẽ thấy một số thời điểm cổ phiếu này thoát sàn, nhưng sau đó lực bán lại xuất hiện ồ ạt và đẩy giá cổ phiếu giảm mạnh trở lại.
Với những trường hợp giảm sàn như NBB, thật khó để đoán định đâu là mức đáy vậy nên cũng thật khó để hiểu mục tiêu của bên mua đã gom vào lượng lớn NBB trong phiên này là gì. Một điểm đáng chú ý là trong những phiên sàn trước đây, gần như không có sự tham gia của khối ngoại nhưng trong phiên 28/3, khối này đã bán ra gần nửa triệu cổ phiếu NBB.
Hiện tại, khối ngoại đang sở hữu khoảng 35% cổ phần của NBB, một tỷ lệ không nhỏ và hành động của khối này trong thời gian tới chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu NBB và tất nhiên là cả giá trị khoản đầu tư của họ. Những ai tham gia đầu tư đều đã biết, cổ phiếu nếu chưa tới đỉnh thì giá cao vẫn có thể cao hơn, và ngược lại giá đã giảm, còn có thể giảm sâu. Việc NBB giảm sàn liên tục và khi nào tạo đáy hay chưa có lẽ cũng khó phân định giống như… NBB hay Hùng Thanh là chủ đầu tư của Carina.
Vấn đề ở đây là khi cổ phiếu giảm sàn liên tục thì tất yếu sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy ngắn hạn, đầu tiên là việc nhà đầu tư thấy lỗ phải cắt, trong trường hợp có lực đỡ, mua vào thì áp lực bán còn giảm. Còn trường hợp không ai mua thì lực bán chồng chất từ phiên này sang phiên khác có thể nhận chìm giá cổ phiếu xuống một mức giá vô cùng rẻ mạt, đó là sự khắc nghiệt của thị trường.
Cũng nên biết rằng, giá cổ phiếu cũng có thể bị chi phối rất lớn bởi yếu tố tâm lý, hoảng loạn, bức xúc, e ngại đều có thể khiến nhà đầu tư bán ra cổ phiếu bất chấp lý lẽ trong ngắn hạn. Lý lẽ ở đây nếu thuyết phục chưa chắc đã xoa dịu được nhà đầu tư, cổ đông. Còn trong trường hợp quanh co, thiếu trách nhiệm thì xem như doanh nghiệp cũng tự đẩy cổ phiếu của mình xuống vực trong cơn khủng hoảng.