BBT: Cổ đông không muốn dự họp
Cổ phiếu BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết chào sàn UPCoM ngày 12/6/2018, với giá tham chiếu 2.300 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở mức 3.200 đồng/cổ phiếu, thời điểm cuối tháng 6 đạt 15.700 đồng/cổ phiếu. Sự tăng vọt về giá này của BBT, trong đó có 13 phiên tăng trần liên tiếp, diễn ra trong bối cảnh thị trường chung giảm điểm và doanh nghiệp không có thông tin hỗ trợ rõ ràng.
Trước đó, năm 2009, do hoạt động kinh doanh ngày càng thua lỗ, BBT buộc phải hủy niêm yết. Vào thời điểm hủy niêm yết, BBT có lỗ lũy kế 28,4 tỷ đồng. Trở lại với thị trường chứng khoán sau gần 10 năm, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của BBT cho thấy, 2 năm gần đây, doanh thu tăng trưởng đáng kể, lợi nhuận đạt trên 14 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, Công ty vẫn còn lỗ lũy kế, tính đến cuối năm 2017 là 61,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, BBT gặp áp lực về thanh toán công nợ. Trong tháng 5/2018, Công ty đã bị chủ nợ là MaritimeBank đề nghị phát mại tài sản nhà xưởng, xử lý tài sản. Nợ phải trả của BBT hiện là 84,3 tỷ đồng, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Ngày 9/7 vừa qua, Công ty tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, nhưng không thành công, vì số lượng cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 1,14% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Từ đầu tháng 7 đến nay, giá cổ phiếu BBT dao động trong khoảng 12.600 – 14.200 đồng/cổ phiếu và sắc tím quay lại khi đóng cửa phiên giao dịch 13/7 ở mức giá trần 15.200 đồng/cổ phiếu.
CEC: Nhu cầu mua – bán rất thấp
Tương tự BBT, trong khi thị trường chứng khoán “đỏ lửa”, một số phiên phục hồi dè dặt, thì cổ phiếu CEC của Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp Hóa chất chưa có một phiên giảm giá nào từ ngày 25/6 đến nay, trong đó tăng trần 7 phiên (gồm 6 phiên tăng trần liên tiếp), đưa thị giá từ 5.200 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu. Cùng với đà tăng này, hai ủy viên Hội đồng quản trị CEC vừa đăng ký bán ra số lượng lớn cổ phiếu.
CEC có cơ cấu nguồn vốn với nợ phải trả chiếm khá cao, 352 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng nguồn vốn. Về kết quả kinh doanh, năm 2017, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 429 triệu đồng (kế hoạch là 14,8 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 111 triệu đồng, do doanh thu sụt giảm (-49%), không đủ bù đắp các loại chi phí, nhất là chi phí lãi vay tăng mạnh lên 1,3 tỷ đồng.
Nhu cầu mua – bán cổ phiếu CEC rất thấp, mỗi phiên chỉ có một vài trăm đơn vị được chuyển nhượng, thậm chí không có giao dịch. Phiên 13/7, có 1.000 cổ phiếu được đặt mua tại mức giá tham chiếu 8.000 đồng/cổ phiếu, nhưng không có lệnh đặt bán.
NAW: Giá dao động từ 5.000 – 17.000 đồng/cổ phiếu
Cổ phiếu NAW của Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An trong 6 tháng qua biến động mạnh, giá dao động từ 5.000 – 17.000 đồng/cổ phiếu. Từ ngày 28/6 đến 6/7, NAW liên tiếp tăng trần, đẩy giá từ 6.700 đồng/cổ phiếu lên 17.400 đồng/cổ phiếu và đang có diễn biến điều chỉnh giảm.
Từ tháng 4/2018, cổ đông lớn của NAW là Công ty cổ phần Mía đường Sông Con liên tục đăng ký bán bớt cổ phiếu NAW với số lượng lớn.
Năm 2017, NAW lần đầu thua lỗ sau 6 năm (lỗ 600 triệu đồng) và phía kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ về việc không thể xác định được số lượng và tình trạng của tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định, tài sản dở dang…
Cẩn trọng rủi ro
Các doanh nghiệp trên UPCoM không bị áp dụng cơ chế công bố thông tin hàng quý cũng như không phải giải trình khi cổ phiếu có 10 phiên tăng trần liên tục như các mã niêm yết trên HOSE, HNX. Thực tế này dẫn tới việc nhà đầu tư thiếu thông tin cập nhật về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để làm căn cứ xác định giá cổ phiếu.
Trong giai đoạn hiện tại, mặt bằng giá cổ phiếu đang dần trở nên hấp dẫn, không ít chuyên gia và các công ty chứng khoán khuyến nghị, nhà đầu tư có thể giải ngân. Tuy vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu tốt, doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng ổn định và có lịch sử giao dịch “sạch”, tránh bị tác động bởi mong muốn thu lời nhanh từ những mã cổ phiếu có diễn biến tăng giá bất thường.