Trợ lực từ nhóm “ông lớn”
Cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một trong những cái tên ấn tượng nhất trong nhóm cổ phiếu hỗ trợ VN-Index quay lại chinh phục vùng đỉnh 11 năm.
Câu chuyện tăng giá của cổ phiếu SAB bắt đầu từ tháng 7/2017, dù Sabeco không có sự bứt phá về kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm, doanh thu, lợi nhuận chỉ tăng 6 – 7% so với cùng kỳ năm 2016 và tính thanh khoản không cao, khối lượng khớp lệnh trung bình hiếm khi vượt quá 100.000 đơn vị/phiên.
Giá cổ phiếu SAB tăng khi thị trường đón nhận tin đồn về việc Bộ Công thương sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp đầu ngành, chiếm gần 50% thị phần tiêu thụ bia cả nước này.
Sau khi được xác nhận bằng công văn ngày 30/8/2017 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, Nhà nước sẽ thoái 53,59% vốn tại Sabeco, đà tăng giá của cổ phiếu SAB càng thêm mạnh mẽ.
Với 641 triệu cổ phiếu lưu hành và từ vùng giá quanh 200.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 7/2017, SAB có lúc vượt ngưỡng 340.000 đồng/cổ phiếu, trở thành mã có vốn hóa lớn thứ hai trong VN-Index với tỷ trọng gần 8% vốn hóa và nhiều phiên trở thành “cứu cánh” cho sắc xanh của chỉ số, bất chấp thị trường tràn ngập sắc đỏ. Ngược lại, có lúc cổ phiếu SAB gây ra sự “khó chịu” không nhỏ khi một vài lệnh giao dịch nhỏ cũng khiến chỉ số biến động trong biên độ rộng.
Giá khởi điểm thoái vốn nhà nước là 320.000 đồng/cổ phiếu, SAB được không ít chuyên gia tài chính đánh giá là quá cao so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. Tuy nhiên, thương vụ đấu giá sau đó đã thành công với việc Thaibev thông qua Vietnam Beverage mua toàn bộ cổ phần SAB mà Nhà nước thoái vốn.
Tương tự, trong tháng 11/2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố bán 3,33% cổ phần VNM tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ở mức 151.200 đồng/cổ phiếu, giá khởi điểm của VNM cao hơn 5% so với đợt chào bán năm 2016, nhưng toàn bộ lượng cổ phần chào bán đã được đặt mua với khối lượng gấp 1,5 lần.
Kết quả, Jardine Cycle & Carriage đã mua thành công với giá trúng cao hơn 23% giá khởi điểm, sau đó nhà đầu tư này tiếp tục rót thêm tiền để nâng sở hữu tại VNM lên 10% (trị giá gần 1 tỷ USD). Đây là động lực quan trọng giúp giá cổ phiếu VNM tăng 38% từ đầu tháng 11/2017 đến cuối tháng 12/2017, đạt 208.600 đồng/cổ phiếu (gần đây dao động quanh ngưỡng 210.000 đồng/cổ phiếu).
Sự thành công trong thương vụ thoái vốn tại SAB và VNM không chỉ đem lại nguồn thu ngân sách hơn 5 tỷ USD, mở ra phương thức xác định giá khởi điểm mới giúp bán vốn nhà nước đạt hiệu quả cao (căn cứ vào giá thị trường) mà còn là nguồn cảm hứng để câu chuyện thoái vốn nhà nước tiếp tục “nóng”, trở thành điểm tựa cho thị trường, xoay quanh hàng loạt doanh nghiệp lớn như GAS, PLX, FPT, VCG, NTP, DMC…
Tại Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS), dù chưa có thông tin chính thức, nhưng kỳ vọng kế hoạch thoái vốn nhà nước từ 98% xuống 65% sớm khởi động trong năm 2018 cùng kết quả kinh doanh khả quan theo sự phục hồi của giá dầu, khí đã giúp giá cổ phiếu GAS tăng gần 80% từ tháng 11/2017 đến nay.
GAS là một trong những tổng công ty lớn nhất thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam thực hiện hoạt động thu gom khí từ các chủ mỏ, chế biến, lưu trữ trước khi phân phối đến các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ,
Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), doanh nghiệp đang chiếm 50% thị phần bán lẻ xăng dầu cả nước, kết quả kinh doanh năm 2017 kém khả quan khi giá vốn tăng mạnh cùng thu nhập tài chính và từ liên doanh, liên kết giảm khiến lợi nhuận sau thuế giảm 22,6% so với năm 2016.
Tuy nhiên, “cú huých’ đấu giá từ VNM và SAB đã giúp giá cổ phiếu PLX tăng 73% từ giữa tháng 11/2017 đến giữa tháng 1/2018 (đạt 70.000 đồng/cổ phiếu) sau khi Bộ Công thương công bố kế hoạch bán 24,9% vốn để giảm sở hữu trong thời gian tới. Ngày 21/3/2018, giá cổ phiếu PLX là 86.900 đồng/cổ phiếu.
Trợ lực từ cổ phiếu mới chào sàn
2017 là năm đón nhận làn sóng lên sàn của hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn như PLX, VJC, VRE, VPB, trở thành những trụ cột hỗ trợ đà tăng của VN-Index.
Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) niêm yết ngày 28/02/2017, giá cổ phiếu tăng hơn 40% trong tuần giao dịch đầu tiên. Sau gần 6 tháng đi ngang quanh mức 125.000 đồng/cổ phiếu, từ tháng 9/2017, đà tăng giá của VJC đã trở lại, đầu tháng 3/2018 vượt ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu và dao động trên ngưỡng này cho đến nay.
Diễn biến tăng giá cổ phiếu của doanh nghiệp giữ thị phần lớn thứ hai ngành hàng không Việt Nam có sự hỗ trợ lớn từ kết quả kinh doanh năm 2017 khi đây là năm thành công nhất của VJC từ trước đến nay. Không chỉ doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 53,7% và 75,9% so với năm 2016, vượt kế hoạch đề ra, mà hệ thống máy bay, đường bay của VJC cũng được mở rộng, kỳ vọng doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng cao trong những năm tới.
Tương tự, dù sóng tăng bắt đầu muộn hơn, nhưng suất sinh lợi của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) không hề kém cạnh, đạt 63,5% từ đầu năm 2018 đến ngày 20/3/2018. Năm 2017, VPB báo lãi trước thuế cao nhất từ trước đến nay, nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất thị trường về cho vay và huy động tiền gửi, Top 3 ngân hàng bán lẻ dẫn đầu về cho vay, huy động tiền gửi và số lượng khách hàng.
Với Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), lực mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng hơn 250 triệu đơn vị từ khi niêm yết tháng 11/2017 đến giữa tháng 3/2018 đóng vai trò quan trọng trợ lực cho đà tăng của giá cổ phiếu, dù kết quả kinh doanh không thực sự khả quan. Năm 2017, doanh thu giảm 13,5%, lợi nhuận sau thuế giảm 17,3% so với năm 2016 do ảnh hưởng của thu nhập từ hoạt động bất động sản, thu nhập tài chính và công ty liên kết giảm.
Không chỉ gây ấn tượng khi đóng góp hơn 80% thanh khoản cho phiên giao dịch có giá trị tỷ USD trên HOSE ngay sau phiên giao dịch đầu tiên (7/11/2017), trong tháng 1/2018, cổ phiếu của doanh nghiệp đang quản lý hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất cả nước mang thương hiệu Vincom đã bứt phá mạnh mẽ với mức tăng 33%. Cổ phiếu VIC của công ty mẹ – Tập đoàn VinGroup cũng tăng giá mạnh, hiện đạt 108.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2,5 lần mức giá cuối tháng 8/2017.
Cổ phiếu “vua” trở lại
Ngoài VPB, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác đạt mức tăng giá ấn tượng trong những tháng cuối năm 2017, thời điểm công bố các thông tin lợi nhuận ước tính cho cả năm. Khi báo cáo tài chính năm 2017 chính thức được công bố cùng phương án, kế hoạch kinh doanh cho năm mới được đưa ra trong những tháng đầu năm 2018, đà tăng giá đã quay trở lại với động lực thêm mạnh mẽ.
Tính đến giữa tháng 3/2018, hầu hết cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, BID, MBB, STB, EIB đều thiết lập các đỉnh giá cao nhất nhiều năm trở lại đây. Trái với những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các ngành khác nhau thường xảy ra sự phân hóa trong từng giai đoạn, sự hội tụ về xu hướng và ưu thế về số lượng của nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực đưa VN-Index tiến đến vùng đỉnh cũ, bất chấp một số cổ phiếu lớn khác điều chỉnh giảm.
Năm 2017, bên cạnh câu chuyện tăng trưởng tín dụng, thu nhập hoạt động, lợi nhuận khả quan thì bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện với hàng loạt chính sách hỗ trợ như Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị 06 CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu, tạo hành lang hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu dứt điểm và nhanh hơn.
Đồng thời, thị trường xây dựng bất động sản (nơi đang găm giữ nhiều khoản nợ xấu của ngành ngân hàng) hồi phục, giúp nhà đầu tư không những kỳ vọng việc giải quyết nợ xấu tồn đọng được đẩy nhanh, mà các khoản đã trích lập dự phòng sẽ trở thành “của để dành”, có thể đem lại lợi nhuận đột biến trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Năm 2018, triển vọng kinh doanh ngân hàng được nhìn nhận tích cực, tăng trưởng tín dụng dự báo duy trì ở mức cao theo đà tăng trưởng kinh tế, nhiều ngân hàng nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro lên chuẩn Base II, chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, thêm nhiều ngân hàng như Techcombank, TPBank, SeABank, OCB, ABBank, Saigonbank dự kiến sẽ lên niêm yết. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng hỗ trợ đà tăng của chỉ số chứng khoán hướng đến mục tiêu mới.
… nhưng rủi ro vẫn hiện hữu
VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử, trong phiên 21/3 có thời điểm vượt ngưỡng 1.170 điểm, dù trước đó có không ít ý kiến đánh giá, đây là ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng, đòi hòi thị trường cần thêm thời gian để tích lũy.
Hiện tại, nền tảng của thị trường chính là bối cảnh vĩ mô thuận lợi, GDP, tín dụng tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá, lãi suất ổn định, khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng… Đây là yếu tố sẽ giúp thị trường chứng khoán năm 2018 có diễn biến khả quan, đặc biệt khi hoạt động niêm yết mới, thoái vốn, bán vốn nhà nước tiếp tục sôi động với nhiều doanh nghiệp lớn, tạo thêm hàng hóa, cơ hội lựa chọn và tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khác với 11 năm trước, trong sóng tăng từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, dù chỉ số chứng khoán tăng mạnh, nhưng dòng tiền đa phần tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nếu như VNM, VIC, VCB, GAS, SAB… liên tục tăng giá và có hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) tăng vọt, tạo khoảng cách lớn với thị trường chung, thì khoảng một nửa số doanh nghiệp niêm yết bị lãng quên, giao dịch nhỏ giọt, cổ phiếu không tăng giá, thậm chí giảm mạnh.
Trong bối cảnh VN-Index tái lập mức đỉnh, thêm nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành được đưa lên sàn, sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu dự báo vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ. Do đó, ngay cả khi mức đỉnh 1.170 điểm trở thành quá khứ và cơ hội tăng trưởng rộng mở, chỉ cần chọn sai cổ phiếu, nhà đầu tư có thể phải nhìn cảnh thị trường tăng nhưng giá trị tài khoản sụt giảm.