Biến số ngược chiều
Trong tuần qua, đồng USD đã tăng thêm 200 đồng trên thị trường tự do, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay cũng như trong 2 năm qua. Theo đó, tỷ giá trên thị trường phi chính thức đã vượt mốc 23.100đ/USD, cao hơn 1% so với tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng và hơn 2% so với tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tỷ giá trên thị trường chính thức đứng yên. Tỷ giá trung tâm trong tuần qua đã tăng thêm 25 đồng và tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại tăng thêm 50 đồng.
Tỷ giá USD/VND tăng nhanh trở lại thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong những ngày gần đây, ẩn chứa những rủi ro nhất định của thị trường ngoại hối.
Thị trường tiền tệ cũng chứng kiến một biến số quan trọng khác ngược lại với diễn biến của tỷ giá, đó là lãi suất có xu hướng giảm trên cả thị trường dân cư lẫn liên ngân hàng. Cụ thể, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng đã về lại dưới 1% kể từ giữa tháng 4 đến nay.
Tính đến 20/6, lãi suất qua đêm chỉ còn 0,77%, giảm 0,3% so với tuần trước đó và giảm 0,83% so với cuối tháng 5. Tương tự, các kỳ hạn phổ biến từ 1 tuần – 3 tháng cũng giảm từ 0,2 – 0,3% so với tuần trước và giảm từ 0,4 – 0,9% so với thời điểm cuối tháng 5.
Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng tiếp tục giảm trong hơn nửa đầu tháng 6, theo sau xu hướng giảm trong hơn 3 tháng gần đây. Như tại Techcombank, kể từ tháng 3 đến nay đã có đến 3 lần giảm lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và đến 4 lần giảm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Một loạt ngân hàng khác như Vietinbank, BIDV, VIB, Quân đội, Tienphongbank cũng giảm lãi suất trong cùng thời gian.
Tác động lẫn nhau
Việc thị trường ngoại hối chịu nhiều áp lực đã được phân tích trong thời gian gần đây, ngoài các yếu tố khách quan từ thế giới như việc FED tăng lãi suất, rủi ro chiến tranh thương mại và đồng USD tăng mạnh trở lại thì trong nước là do các yếu tố cung cầu ngoại tệ có dấu hiệu mất cân đối, từ cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức cao hay có thể từ việc khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, lãi suất giảm trở lại được xem là do thanh khoản hệ thống dồi dào trước nguồn cung tiền đồng tăng mạnh từ việc Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, cũng như lượng tiền gửi tại các ngân hàng tăng mạnh trong tháng 5 giữa bối cảnh thị trường chứng khoán suy yếu và bất động sản chững lại, trong khi tín dụng tăng chậm hơn huy động vốn nên càng khiến ngân hàng thừa tiền, dẫn đến chủ động giảm lãi suất để tiết giảm chi phí huy động đầu vào.
Diễn biến trái chiều của 2 biến số trên liệu có liên quan đến nhau? Phải chăng chính vì lãi suất liên tiếp giảm đã khiến tiền đồng bớt hấp dẫn và thúc đẩy dòng vốn chuyển dịch sang ngoại tệ, nhất là khi cộng sinh với các yếu tố khách quan và chủ quan kể trên nên đã gây áp lực lên tỷ giá?
Không loại trừ khả năng này, vì khi lãi suất tiền đồng xuống thấp cộng thêm lạm phát có dấu hiệu tăng nhanh có thể khiến động lực nắm giữ tiền đồng giảm.
Điều này không chỉ xảy ra ở thị trường dân cư, mà chính các ngân hàng cũng có động lực kinh doanh ngoại tệ nhiều hơn khi mà lãi suất vay USD trên thị trường liên ngân hàng đang hấp dẫn hơn tiền đồng khá nhiều. Với tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao trong khi huy động vốn ngoại tệ sụt giảm có thể càng thúc đẩy các ngân hàng tăng cường mua ngoại tệ để đảm bảo thanh khoản, nhất là khi rủi ro tỷ giá ngày càng hiện hữu.
Nên mừng hay lo?
Dĩ nhiên lãi suất giảm là điều tích cực cho nền kinh tế, ngược lại tỷ giá nếu tăng vượt mục tiêu kiểm soát thì có thể gây bất ổn lên kinh tế vĩ mô và tác động xấu đến các biến số khác. Nếu như tỷ giá thời gian qua tăng do một phần bị tác động bởi yếu tố lãi suất tiền đồng đi xuống, thì trước sau gì lãi suất cũng sẽ tăng trở lại để đảm bảo nắm giữ tiền đồng vẫn còn sức hấp dẫn, từ đó hạn chế sự dịch chuyển của dòng vốn sang ngoại tệ mà có thể càng gây áp lực lên tỷ giá.
Cần lưu ý là lãi suất nếu tăng ở mức phù hợp và giúp tỷ giá ổn định trở lại thì đáng mừng, còn trong trường hợp tăng quá nhanh sẽ tác động đáng kể đến chi phí vay vốn của doanh nghiệp và có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, khi mà chính sách tài khóa hiện nay không còn nhiều dư địa.
Nếu trong trường hợp cung cầu ngoại tệ mất cân bằng, nhà điều hành còn có thể can thiệp bằng cách bơm thêm USD vào nền kinh tế để ổn định tâm lý thị trường, nhất là khi dự trữ ngoại hối thời gian qua đã tăng trưởng khá tốt.
Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát tỷ giá nhịp nhàng, theo dõi chặt chẽ dòng vốn ngoại tệ vào ra trong tình hình dòng vốn đầu tư đang có dấu hiệu rút mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, để từ đó có các quyết sách linh hoạt và phù hợp để kịp thời đối phó.