Chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô, cùng với đó là tác động trực tiếp của chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt chủ trương cắt giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phí sản xuất trên tổng dư nợ của ngành ngân hàng, đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết khi các chỉ số liên tục lao dốc.
Trong cuộc hội thảo “Tác động của thị trường chứng khoán lên thị trường tài chính Việt Nam, những kiến nghị chính sách” vừa diễn ra ngày 29/7 tại Hà Nội, một loạt những nguyên nhân cũng như tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, đã được các chuyên gia phân tích và chia sẻ.
Những tác động từ chính sách vĩ mô…
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được tích tụ từ Mỹ nhiều năm trước khi chính thức nổ ra vào năm 2008 đã có tác động mạnh đến kinh tế, tài chính và thương mại thế giới. Để khắc phục đợt suy thoái kinh tế trong năm 2009, hầu hết các nước đã áp dụng chính sách kích thích kinh tế, nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, những khó khăn nội tại trong nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể qua đi và hậu quả của cuộc khủng hoảng cũng đã lộ những vấn đề mới như: Vấn đề nợ công tại một số quốc gia châu Âu; sự mất cân đối trong thương mại toàn cầu; thất nghiệp tại nhiều nước phát triển như Mỹ và khu vực châu Âu chậm cải thiện…
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Trong năm 2011, các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát được nêu tại Nghị quyết số 11 đã thu được những kết quả bước đầu như lạm phát đã giảm tốc, nhập siêu cũng tăng chậm lại và mặt bằng lãi suất đã có tín hiệu giảm xuống. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất, bất ổn vĩ mô và so sánh cơ hội đầu tư rất bất lợi cho chứng khoán đang khiến cho nguồn tiền vào thị trường bị suy kiệt.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, năm 2011 là một trong những năm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam và thậm chí còn khó khăn hơn năm 2008 khi thế giới đối mặt với khủng hoảng tài chính.
Ngoài ra, việc thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với lãi suất vay tăng quá cao, giá nguyên nhiêu liệu tăng đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.
Cũng theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã chịu ảnh hưởng và phản ánh những khó khăn, bất ổn của kinh tế vĩ mô. Đồng thời nó cũng chịu những tác động trực tiếp của chính sách tiền tệ thắt chặt, đặc biệt là chủ trương cắt giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất trên tổng dư nợ của ngành ngân hàng.
Công nhận những khó khăn này đang tác động lên thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Kim Liên, phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho rằng, những bất ổn từ bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn thì chứng khoán đã phản ánh khá xác thực tình hình.
Tuy nhiên bà Liên cũng cảnh báo rằng, không nên nhìn nhận chứng khoán như một “trò chơi” bởi chứng khoán là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Vì nếu không có chứng khoán, ngân hàng sẽ khó khăn trong huy động vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp cũng sẽ “lay lắt”.
… Và thăng trầm trên thị trường chứng khoán
Dựa vào tổng hợp của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong những tháng đầu năm 2011, thị trường chứng khoán đã có xu hướng sụt giảm. Cho đến hết tháng 4, chỉ số Vn-Index đã giảm 4,58 điểm, tương đương 0,9% nhưng riêng tháng 5 lại có sự sụt giảm mạnh, giảm 58,71 điểm, tương đương 12,2% do lo ngại về vấn đề giải chấp nhằm đáp ứng yêu cầu về giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng Nhà nước xuống 22% vào cuối tháng 6.
Bước sang 6 tháng, chỉ số lại có sự phục hồi so với tháng 5, Vn-Index đã tăng 5,2% do áp lực giải chấp đã được giải tỏa phần nào. Tuy nhiên, tính từ đầu năm cho tới tháng 6, Vn-Index lại giảm 10,5% so với cuối năm 2010.
Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên trong 6 tháng đầu năm là 1.164,6 tỷ đồng, bằng 47% so với mức bình quân năm 2010. Mức vốn hóa cuối tháng 6 đạt 686 nghìn tỷ đồng, giảm 40 nghìn tỷ, tương đương t rên 5,5% so với cuối năm 2010. Mức vốn hóa so với GDP giảm xuống 36% từ mức 39% cuối năm 2010.
Huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn do thị trường giảm sút và mặt bằng lãi suất cao.
Tính chung 6 tháng, vốn huy động trái phiếu Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2010, chiếm gần 90% tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán từ đầu năm.
Tuy nhiên, vốn huy động qua đợt phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% và vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 0,56 nghìn tỷ đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng sụt giảm. Cho đến cuối tháng 6, có khoảng 46% các công ty niêm yết có giá trị thấp hơn mệnh giá và 74% các công ty niêm yết có giá thấp hơn thị trường thấp hơn giá trị số sách; 45% các công ty niêm yết có hệ số P/E thấp hơn 5.
Ngoài ra, do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ; hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ bù chi; hoạt động tư vấn đầu tư, phát hành, niêm yết, bảo lãnh cũng bị thu hẹp.