So với đỉnh cao vốn hóa 170 tỷ USD ghi nhận vào ngày 9/4, khi VN-Index đạt trên 1.200 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi hơn 20%, tương đương mất khoảng hơn 30 tỷ USD trong vòng hơn hai tháng.
Sau hai phiên giao dịch đen tối ngày 5-6/2, khiến thị trường “bốc hơi” hơn 14 tỷ USD, thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục và phá đỉnh lịch sử tại phiên 9/4, khi chỉ số Vn – Index đạt 1.203 điểm.
Hai lần thủng mốc 1.000 điểm
Nhiều nhận định về tương lai tươi đẹp được các công ty chứng khoán “tung” tới tấp, cho thị trường chứng khoán Việt trong quý II/2018.
BVSC dự báo trong quý II thị trường chứng khoán vẫn sẽ nằm trong xu hướng tăng điểm chủ đạo và khả năng xảy ra nhịp lao dốc kéo dài và trên diện rộng không được đánh giá cao.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng những con số tích cực trong kết quả kinh doanh quý I và triển vọng quý II của các doanh nghiệp có sự tác động mạnh hơn đến giá cổ phiếu, đặc biệt là “làn gió mới” lên sàn trong quý II.
Thực tế, ngay sau đó, thị trường chứng khoán đã có phiên giao dịch (ngày 11/4) “đỏ lửa”, Vn-Index bị cuốn bay 31 điểm, xuống chỉ còn 1.167 điểm.
Đây chính là phiên giao dịch bắt đầu cho chuỗi ngày điều chỉnh giảm của thị trường trong quý II/2018, với tổng cộng 18 phiên “bốc hơi” hàng tỷ USD vốn hóa, trong đó có 12 phiên mất tới 3 tỷ USD mỗi phiên.
VN-Index từ mức 1.200 điểm về hiện tại còn dưới 970 điểm. Thanh khoản cũng giảm chỉ còn khoảng 50-60% so với thời kỳ đỉnh cao kéo dài từ quý IV/2017 tới hết quý I/2018.
Diễn biến thị trường khó lường, với nhiều phiên giao dịch biến động mạnh, khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay. Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, Vn-Index có 30 phiên biến động trên 2% so với phiên trước, với 13 phiên tăng trên 2% và 17 phiên giảm trên 2%.
Các cổ phiếu nâng đỡ thị trường như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản cũng mất tới 30 – 40% thị giá, trong khi những “làn gió mới” được kỳ vọng như VHM, FRT, TCB… dường như cũng khá mờ nhạt.
Đáng chú ý, chỉ trong chưa đầy một tháng, chỉ số Vn-Index đã có hai lần bị mất mốc 1.000 điểm. Đầu tiên là phiên giao dịch ngày 22/5, Vn-Index lao dốc mất 29 điểm, đẩy chỉ số về còn 986 điểm, tương ứng hơn 3,8 tỷ USD trên sàn HoSE cũng “bốc hơi”.
Phiên giao dịch ngày 18/6, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận lần thứ hai chỉ số Vn-Index tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, khi cũng mất 29 điểm, còn 987,34 điểm. Vốn hóa thị trường bị cuốn trôi hơn 92.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4 tỷ USD).
Cùng với sự xuống dốc của thị trường, tài sản trên sàn của hàng loạt tỷ phủ Việt như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Đăng Quang cũng “bốc hơi” mạnh.
Mặc dù vẫn có những chuỗi điều chỉnh tăng điểm xen kẽ trong ba tháng của quý II, nhưng chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt mà không có tính lan tỏa. Thị trường thường xuyên giao dịch trong trạng thái “xanh vỏ,đỏ lòng”.
Gặp khó vì thanh khoản
Theo nhận định của CTCK SSI, Vn-Index đã có những phiên giao dịch tăng điểm, tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện, thậm chí ngày càng “teo tóp”. Những nhịp hồi phục chỉ là ngắn hạn, sắc màu chủ đạo trong trung hạn vẫn là giảm điểm.
Hiện tại, thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu đi xuống về khối lượng, những phiên khớp lệnh 270-300 triệu cổ phiếu đã không còn. Trong một tháng trở lại đây, thanh khoản đã giảm tới 40%, thậm chí có thời điểm giảm gần 70% so với đầu năm.
Tính từ đầu tháng 6 tới nay, giá trị khớp lệnh thị trường đạt khoảng 42.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa giá trị khớp lệnh hồi tháng 2.
Theo một chuyên gia chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm là do ảnh hưởng của thế giới. Vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục kích hoạt một đợt bán tháo trên các thị trường mới nổi, do tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất.
Theo một dữ liệu mới đây, kể từ đầu năm đến nay, các quỹ ngoại đã rút khỏi 6 thị trường mới nổi lớn nhất ở châu Á một lượng vốn lớn chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Điều này đã ảnh hưởng tấm tâm lý các nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng hạn chế đầu tư ngắn hạn, nhằm giảm thiểu rủi ro trong xu hướng thị trường đi xuống.
Theo các chuyên gia chứng khoán, việc thanh khoản sụt giảm cũng mang tính chu kỳ, sau thời gian tăng nóng hồi đầu năm, các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời, bảo toàn lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chiến lược chờ thị trường xuống thật thấp mới mua vào đang được áp dụng trên diện rộng, cũng góp phần khiến thị trường giảm sâu hơn, thanh khoản ngày càng cạn kiệt.
Hơn nữa, diễn biến của thị trường ngày càng trở lên khó lường, khi dòng tiền vẫn tập trung trong một nhóm nhỏ cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng lại không mang tính đại diện cho nhóm, ngành, chưa có dấu hiệu lan tỏa sang phần còn lại như kỳ vọng.
Một phần dòng tiền cũng đã dịch chuyển sang thị trường phái sinh giúp thanh khoản của tháng gần nhất vượt mức 100.000 hợp đồng.
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, thị trường vẫn đang tiếp tục chịu áp lực giảm điểm. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ không giảm sâu và sẽ hồi phục quanh ngưỡng hỗ trợ 950 điểm.