Kể từ cuối tháng 7 tới nay, thị trường chứng khoán đã có bước hồi phục mạnh mẽ, chỉ số Vn-Index hiện đang ở mức 987,05 điểm, gần lấy lại được mốc 990 điểm hồi đầu năm.
Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp chuyển và chào sàn. Một số doanh nghiệp được đánh giá hấp dẫn cũng như đạt được hiệu ứng tăng giá mạnh, nhưng diễn biến này không phải trải đều cho tất cả.
Kỳ vọng khi lên sàn
Trong những ngày đầu tiên của tháng 8, Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) đã đón thêm 3 doanh nghiệp chuyển niêm yết từ sàn UPCoM bao gồm SGN, SCS, SMB.
Cụ thể, hơn 23,9 triệu cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE ngày 1/8 với giá tham chiếu 140.000 đồng/cp.
Tiền thân của SGN là Trung tâm dịch vụ Hàng không (một đơn vị thành viên thuộc Cụm Cảng Hàng không miền Nam). Ngày 31/12/2014, SGN chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần dưới tên gọi CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, với mức vốn điều lệ ban đầu là 140,5 tỷ đồng. Sau 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ của công ty hiện cán mốc 239.959 tỷ đồng.
Hiện, cổ đông lớn nhất của SGN là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với tỷ lệ sở hữu 48%, ngoài ra SGN còn có hai cổ đông tổ chức lớn khác là CTCK Sài Gòn nắm giữ 14,9% vốn và CTCP Đầu tư khai thác cảng có tỷ lệ nắm giữ là 13% vốn điều lệ của công ty.
Với bề dày hoạt động cùng những lợi thế tại các Cảng hàng không trong nước, SGN được kỳ vọng sẽ “tỏa sáng” khi chuyển sang sàn HoSE.
Ngay sau SGN, một mã chứng khoán hàng không khác là cổ phiếu SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn cũng chính thức “chuyển nhà” sang HoSE với kỳ vọng sẽ đưa cổ phiếu đến với nhiều nhà đầu tư hơn.
HoSE là một sàn chứng khoán chuyên nghiệp, đòi hỏi những tiêu chuẩn niêm yết cao nhất Việt Nam, sẽ vừa tạo áp lực vừa là động lực thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa, nâng cao trình độ quản trị, điều hành cho doanh nghiệp.
49,98 triệu cổ phiếu SCS đã chính thức niêm yết trên HoSE ngày 3/8, với giá tham chiếu 174.105 đồng/cp.
Cổ đông lớn nhất tại SCS là CTCP Gemadept với tỷ lệ sở hữu 37,29%; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng là cổ đông lớn tại SCS, sở hữu 15,17% vốn điều lệ.
Với sự hậu thuẫn của công ty mẹ là Tổng CTCP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco), Bia Sài Gòn – Miền Trung cũng tự tin đưa gần 30 triệu cổ phiếu SMB chuyển sang HoSE với giá tham chiếu 31.300 đồng/cp.
Bên cạnh đó, trong nửa đầu tháng 8, toàn thị trường cũng đón chào thêm nhiều “tân binh” như : cổ phiếu DBD của CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định, cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ…
Thực tế khó khăn
Các cổ phiếu mới lên sàn sẽ đem đến “làn gió mới”, tăng thêm lựa chọn cho các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp thường sẽ đưa ra những “mặt đẹp” cùng với dàn cổ đông lớn đều là những tên tuổi có “máu mặt” nhằm hấp dẫn nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu.
Tuy nhiên, hiệu ứng tăng giá không đến với tất cả các cổ phiếu lên sàn thời gian qua, và mọi diễn biến tiêu cực hay tích cực của từng cái tên cụ thể đều có lý do.
Trước khi hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM để chuyển sàn, cổ phiếu SGN đã có nhiều đợt tăng/giảm giá, biên độ giá dao động quanh vùng 135.000 – 150.000 đồng/ cp, khối lượng giao dịch thấp nhưng đều đặn.
Tuy nhiên, từ khi niêm yết trên sàn HoSE tới nay, cổ phiếu này mới chỉ có 5 phiên tăng giá, còn lại là giảm, nếu tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, SGN đã giảm 5% so với giá tham chiếu, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp.
Trả lời câu hỏi vì sao giao dịch tại “nhà mới” mà diễn biến cổ phiếu SGN lại kém khả quan không khó. Bởi trước đó, SGN đã đạt mức tăng hơn 200% trên UPCoM từ mức giá 70.000 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu SCS cũng gặp khó khăn trong việc tăng giá khi chuyển sàn. Tính đến phiên giao dịch ngày 24/8, thị giá SCS đang ở mức 169.500 đồng/cp, giảm nhẹ so với phiên chào sàn.
Nguyên nhân thị giá cổ phiếu đã đạt được ở mức cao trước khi chuyển sàn khiến cổ phiếu bị “hờ hững” cũng xảy ra với các “tân binh” khác như DBD, TTB…
Ngoài ra, những câu chuyện kinh doanh dần được “hé lộ” sau khi chào sàn cũng khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với những cổ phiếu “tân binh”.
Trong thời gian qua, sàn UPCoM cũng chào đón nhiều cái tên mới đăng ký niêm yết nhưng kèm theo đó là cảnh báo của các chuyên gia về “vàng thau lẫn lộn” trên UPCoM do điều kiện đăng ký giao dịch khá “lỏng”, khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong quyết định của mình.
Đơn cử trường hợp của cổ phiếu VNY của CTCP Thuốc thú y Trung ương đã đăng ký giao dịch 8,25 triệu cổ phiếu trên UPCoM từ ngày 3/8 với giá tham chiếu 6.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, VNY lại mang lên sàn “hàng khuyến mãi” là tình hình kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, hiện đang âm vốn chủ sở hữu. Thậm chí, còn có ý kiến của kiểm toán về việc mất khả năng thanh toán dẫn đến nghi ngờ về hoạt động liên tục.
Theo đó, hiện giá cổ phiếu VNY đã giảm 55% so với mức giá chào sàn, thanh khoản gần như không có. Tính từ khi chào sàn, cổ phiếu này chỉ có 3 phiên giao dịch có thanh khoản lại là 3 phiên giảm sàn.
Hay “bóng đen” quá khứ của CTCP chứng khoán Everest (mã: EVE) với tiền thân là CTCK Đại Dương thuộc Tập đoàn Đại Dương khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngại về tính minh bạch của doanh nghiệp.
Ngay sau khi tăng kịch biên độ trong phiên chào sàn, đến nay, cổ phiếu EVE đã giảm 30% tính theo mức giá 11.750 đồng/cp của phiên giao dịch ngày 24/8.