Mới qua nửa năm 2018, Việt Nam đã có 8 mặt hàng, 8 địa bàn và 8 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan. Thấy gì từ các “câu lạc bộ” này?
“Câu lạc bộ” các mặt hàng
Mặt hàng là nguồn, là điều kiện của xuất khẩu. Bên cạnh việc mở rộng các mặt hàng xuất khẩu để khai thác tiềm năng các vùng miền của đất nước…, vẫn cần phải tập trung vào những mặt hàng chủ lực để phát huy thế mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 21 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó, 8 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Kim ngạch của 8 mặt hàng này đạt 77,4 tỷ USD, tăng 16,3% – cao bằng tốc độ tăng chung; trong đó, các mặt hàng máy móc, thiết bị… phương tiện vận tải… còn tăng cao hơn.
Tỷ trọng kim ngạch của các mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước 6 tháng đầu năm nay khá cao (67,8%). Với tỷ trọng cao và tốc độ tăng cao như trên, việc tăng/giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng trên có tác động đến quy mô và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đáng lưu ý, trong các mặt hàng này đã có sự góp mặt của các mặt hàng có kỹ thuật – công nghệ cao mà Việt Nam rất cần. Trong các mặt hàng trên, mặt hàng điện thoại đạt quy mô cao nhất, chiếm tới 19,8% tổng kim ngạch của cả nước.
Nếu tỷ trọng 6 tháng so với cả năm của 6 tháng năm nay đạt bằng với cùng kỳ năm trước (43,1%), thì kỳ vọng cả năm nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại sẽ vượt qua mốc 52 tỷ USD và đây là năm đầu tiên Việt Nam có một mặt hàng có kim ngạch vượt qua mốc 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu trên cũng có hạn chế về một số mặt. Do tính chất gia công, lắp ráp còn lớn và nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài lớn so với kim ngạch xuất khẩu, tuy có một phần là để tiêu dùng trong nước.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động không nhỏ tới các mặt hàng này do thuế suất cao, đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác, thậm chí sẽ mắc vào tình trạng “tiêu dùng giùm”, “xuất khẩu hộ” nếu không kiểm soát chặt chẽ…
“Câu lạc bộ” địa bàn xuất khẩu
“Câu lạc bộ” này trong 6 tháng đầu năm đã có 8 địa bàn, tăng 1 địa bàn (Hải Phòng). Kim ngạch xuất khẩu của 8 địa bàn này đạt 81,75 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thấp hơn tỷ trọng 72,6% của cùng kỳ; tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng chung (16,3%).
Những địa bàn tăng khá cao (như Bắc Ninh tăng 36,5% hay tăng 4.402 triệu USD, Hải Phòng tăng 36,3% hay tăng 1.322 triệu USD, Hà Nội tăng 18% hay tăng 1.043 triệu USD…). Những địa bàn đạt quy mô kim ngạch xuất khẩu cao đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng GDP bình quân đầu người… Đạt quy mô cao về xuất khẩu có một phần quan trọng do có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, sớm được triển khai xây dựng đưa vào sản xuất, xuất khẩu…
Tuy nhiên, tốc độ tăng của một số địa bàn đã có xu hướng chậm lại và thấp hơn tốc độ chung, như Thái Nguyên tăng 2,2%, Tp.HCM tăng 5,8%, Bình Dương tăng 8,6%, Đồng Nai tăng 11,4%.
“Câu lạc bộ” các thị trường
Trong gần 200 thị trường, với 84 thị trường có thống kê chi tiết, có 26 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 8 thị trường đạt trên 3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu vào 8 thị trường này đạt 69,09 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ- cao hơn tốc độ tăng chung; tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt cao hơn cùng kỳ (60,5% so với 60%).
Tuy nhiên, đứng trước thách thức của chủ nghĩa bảo hộ, và trước cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trên đà mở rộng về quy mô, lan rộng ra nhiều nước, thì việc cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu là rất cấp thiết. Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có những diễn biến đáng lưu ý.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng chậm lại so với bình quân thời kỳ 2012-2017 (9,8% so với 16,2%); trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng trưởng cao lên (tương ứng là 16,2% so với 13,9%); tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu (9,8% so với 20,4%); xuất siêu sang Hoa Kỳ có tốc độ tăng chậm lại (6,3% so với 17,3%).
Với thị trường Trung Quốc, nhập khẩu của Việt Nam tăng (30,19 tỷ USD so với 26,89 tỷ USD, hay tăng 3,3 tỷ USD). Nhập siêu giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn còn rất lớn (13,57 tỷ USD). Đó là chưa kể nhập siêu tiểu ngạch. Nhập siêu từ Hàn Quốc tuy giảm so với cùng kỳ (13,91 tỷ USD so với 16,1 tỷ USD), nhưng có quy mô lớn hơn mức nhập siêu từ Trung Quốc.