Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) đã có quyết định chuyển nhượng toàn bộ 8,1 triệu cổ phần (40,5% vốn điều lệ) tại CTCP Thực phẩm Hồng Phú cho một cá nhân với tổng giá trị 810 triệu đồng. Mức giá này tương ứng vỏn vẹn 100 đồng/cp Thực phẩm Hồng Phú. Nhựa Ngọc Nghĩa cùng với các công ty thành viên nắm 98% cổ phần tại Thực phẩm Hồng Phú, trong đó riêng công ty mẹ Nhựa Ngọc Nghĩa nắm 40,5%.
Sản phẩm của Hồng Phú trên thị trường hiện nay là nước chấm thương hiệu Kabin và Thái Long, tuy nhiên mảng này lại đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Massan. Mặc dù, khi thành lập nhà máy của Hồng Phú có giá trị đầu tư tới 20,6 triệu USD là nhà máy quy mô lớn nhất Việt Nam, nhưng sản phẩm làm ra vẫn không thể chiếm được thị phần “khủng” của Massan. Theo số liệu năm 2016, Masan chiếm lĩnh 63% thị phần nước mắm và 70% thị phần nước tương.
Cho nên việc thoái vốn của NNG cũng dễ hiểu để tránh việc mảng kinh doanh này trở thành gánh nặng của doanh nghiệp.
Ngọc Nghĩa nổi tiếng ở mảng sản xuất chai PET, vốn là sản phẩm phụ trợ cung ứng cho khách hàng mua sỉ. Còn thực phẩm hướng tới người tiêu dùng cuối cùng, nên sẽ đòi hỏi cách tiếp cận khác. Thế nên, dù Ngọc Nghĩa cũng đã dành khá nhiều chi phí cho quảng cáo, nhưng dường như thông điệp nước mắm vô trùng chất lượng cao vẫn chưa đến được với số đông người tiêu dùng. Theo khảo sát nhanh của NCĐT, các bà nội trợ thường dùng nước mắm Phú Quốc, Hồng Hạnh, Chinsu, Đệ Nhất… và hầu như ít người nghe và nhớ đến chữ “vô trùng” của nước mắm Kabin.
Trong khi việc truyền thông quảng bá của Hồng Phú chưa hiệu quả, thì Công ty lại gặp rắc rối với sự cố phân phối ở Quảng Bình vào năm 2012. Khi đó, một đại diện phân phối chính thức của Hồng Phú đã lừa dối các tiểu thương chợ Đồng Hới liên quan đến việc chi trả hoa hồng khi mua và trưng bày sản phẩm Kabin. Dù không thực sự do Hồng Phú gây ra và Công ty cũng đã đại diện đứng ra khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại, nhưng việc chọn sai nhà phân phối và không kiểm soát được hệ thống này chắc chắn sẽ khiến cho họ mất điểm trong mắt tiểu thương.
Như vậy, 2 điểm quan trọng nhất trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là hệ thống phân phối và quảng bá, công ty con ở mảng thực phẩm của Ngọc Nghĩa dường như chưa đạt được thành công.
Thị trường có giới hạn, nên thị phần của Masan tăng lên đồng nghĩa với hàng loạt doanh nghiệp nước mắm khác thu hẹp sản xuất, thậm chí là đóng cửa. Đến cả doanh nghiệp lớn như Unilever dù đưa nước mắm thương hiệu Knorr Phú Quốc ra trước, nhưng cũng nhanh chóng bị sản phẩm của Masan lấn át. Do đó, không quá ngạc nhiên khi “tân binh” như Hồng Phú lại lỗ triền miên kể từ khi thành lập đến nay. Chọn một ngành vừa không phải thế mạnh, vừa phải đối đầu với nhiều ông lớn là một quyết định “quả cảm” của Ngọc Nghĩa.
Từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2017, mảng thực phẩm của Nhựa Ngọc Nghĩa mang về tổng doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng nhưng đã lỗ tới gần 1.200 tỷ đồng. Điều này khiến công sức từ ngành nhựa như “dã tràng xe cát” và Nhựa Ngọc Nghĩa chỉ lãi vài chục tỷ mỗi năm. Riêng năm 2016, lợi nhuận công ty chỉ còn vỏn vẹn gần 7 tỷ đồng, đến năm 2017 chỉ đạt 10 tỷ đồng.