Theo đó, RBA đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Úc trong năm 2018 lên 3,25% từ mức 3% như dự báo đưa ra hồi tháng 5. Tăng trưởng năm 2019 cũng được dự báo ở mức 3,25% trước khi giảm nhẹ xuống còn 3% trong năm 2020.
Tuy nhiên RBA đã cắt giảm dự báo lạm phát cơ bản năm nay xuống mức 1,75% thay vì 2% như dự báo trước đó. Lạm phát cơ bản sau đó được dự báo sẽ tăng chậm và đạt mức 2,25% vào cuối năm 2020, song vẫn thấp hơn so với mức trung bình của mục tiêu là 2-3% mà RBA đề ra.
RBA cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục duy trì ở mức 5,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 5,2% vào giữa năm 2019 và có thể sẽ không giảm xuống mức 5%, mức được ước tính là đầy đủ việc làm, vào cuối năm 2020.
Nhìn chung, RBA tỏ ra lạc quan về tăng trưởng trong nước, nhờ vào sự phục hồi trên diện rộng của các hoạt động kinh tế toàn cầu và chi tiêu chính phủ cho cơ sở hạ tầng, đó là tăng đầu tư phi khai thác.
Sự tự tin của RBA càng được củng cố do lợi nhuận của công ty đang tăng cao, trong khi các thước đo cho thấy niềm tin kinh doanh cũng rất mạnh. Tất cả điều đó đã dẫn đến một sự gia tăng việc làm với tốc độ hàng năm gần 3%, nhanh hơn nhiều so với mức tăng 1,6% về dân số và gấp đôi tốc độ tạo việc làm của Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách của RBA nhận thấy quyết định “bất thường” của chính quyền Trump trong việc bổ sung thêm các biện pháp kích thích tài chính vào thời điểm nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái toàn dụng. Điều này có thể thúc đẩy lạm phát nhanh hơn, buộc Fed có thể phải tăng lãi suất “nhiều hơn hoặc nhanh hơn” so với dự đoán hiện nay.
Hệ quả là đồng USD có thể tăng cao hơn và đồng nội tệ của Úc giảm giá. “Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu toàn cầu mạnh hơn và sự mất giá của đồng đôla Úc sẽ có khả năng hỗ trợ tăng trưởng trong nước và nhập khẩu lạm phát”, RBA cho biết.
Tuy nhiên, RBA cũng chỉ ra các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế trong nước đó là giới hạn về năng lực, đặc biệt là chi tiêu tiêu dùng khi mà các hộ gia đình Úc đang ngập trong nợ nần, song tăng trưởng tiền lương vẫn rất yếu ớt.
Bên cạnh đó, RBA cũng tỏ ra quan ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu do chính sách bảo hộ thương mại. Điều đó, cùng với sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Úc khi mà Úc là nền kinh tế phát triển phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc với khoảng một phần ba kim ngạch xuất khẩu là đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Với tất cả những dự báo này, không có lý do gì để RBA phải vội vàng với việc tăng lãi suất theo nhiều đồng nghiệp ở các nền kinh tế phát triển. “Hội đồng chính sách của RBA đã có một thời gian giữ quan điểm duy trì lãi suất ổn định ở mức 1,50% sẽ hỗ trợ sự cải thiện dần về thất nghiệp và lạm phát, với chính sách tiền tệ ổn định thúc đẩy sự ổn định và niềm tin”, Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết và nhấn thêm rằng: “Với bản chất dần dần của sự cải thiện, Hội đồng thấy không có lý do gì đủ mạnh để tăng lãi suất trong ngắn hạn”.
Còn nhớ, hôm thứ Ba tuần trước (7/8), RBA đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,5%, ghi nhận 2 năm liên tiếp lãi suất được giữ ổn định ở mức thấp kỷ lục này.