Ngân hàng TMCP huy động bù chứ không thiếu vốn
Hai tuần qua các ngân hàng đều có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, từ ngày 6-8, Techcombank áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. Cũng nằm trong danh sách những ngân hàng TMCP đang tăng lãi suất, đại diện VIB Bank cho biết đang tăng lãi suất lên 1-1,5% đối với vay trung và dài hạn.
Lý giải điều này, một chuyên gia tài chính cho rằng, do vướng quy định dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung hạn từ 60% giảm còn 40%, kéo theo việc nhiều ngân hàng TMCP phải huy động bù. Nhiều suy đoán cho rằng ngân hàng thiếu vốn, tuy nhiên, khẳng định như vậy là chưa chính xác, nếu thiếu vốn sẽ không có nguồn cho vay.
Giám đốc điều hành một ngân hàng TMCP cho biết, khó tránh khỏi việc tác động của “BIG 4” (4 ngân hàng lớn nhất) lên các ngân hàng nhỏ. Dự báo, việc tăng lãi suất có thể kéo dài 12 tháng trở lên, trong đó lãi suất dưới 6 tháng sẽ bị NHNN khống chế cao nhất lên đến 5,5%.
Nhiều suy đoán cho rằng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ nhích lên theo đường cong lãi suất. Ngoài ra, việc lạm phát có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lãi suất. Cũng có thể do sắp tới NHNN thanh tra bất động sản, gây nên xáo trộn lớn trong việc cho vay.
Trong khi các ngân hàng TMCP rục rịch tăng lãi suất huy động từ giữa tháng 7 đến nay thì “3 BIG” có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank và BIDV vẫn “dửng dưng” giữ nguyên mức lãi suất huy động như từ hồi tháng 5.
Về nguyên nhân tăng lãi suất huy động vốn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do tác động bởi thị trường liên ngân hàng trên thị trường 2, Bộ Tài chính đã rút tiền về kho bạc nhà nước từ các NHTM. Lượng tiền rút từ các NHTM nhất là những ngân hàng có vốn nhà nước trở về ngân hàng trung ương cũng tạo ra sự khan hiếm ở trong thị trường liên ngân hàng và từ đó đẩy lãi suất lên.
Trữ đô la chờ thời trước dự đoán lãi suất tăng
Phân tích về lý do tăng lãi suất, ông Hiếu cho biết lãi suất huy động ở thị trường 1 có nhích lên nhưng chưa ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong tương lai khi tình hình thế giới biến chuyển, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất khiến lãi suất huy động trong nước tăng, từ đó kéo theo việc tăng lãi suất cho vay. Nhận định từ đây đến cuối năm, những biến động thị trường tài chính thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam.
“Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao thì các doanh nghiệp bất động sản, BT, BOT sẽ lao đao. Đặc biệt, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng lớn tới vốn vay, kéo theo đó là những khó khăn cho việc thanh khoản trên thị trường bất động sản”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, nói thêm về điều này, ông Hiếu phân tích, có thể thấy rõ việc duy trì lãi suất huy động ở những ngân hàng lớn ổn định hơn các ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc huy động vốn ở những ngân hàng nhỏ vẫn diễn ra trong giai đoạn này là do họ luôn cần vốn, nên lãi suất được nhích lên biên độ 0,1-0,2%. Điều này không gây ảnh hưởng đến việc khách hàng chạy từ ngân hàng lớn sang các ngân hàng nhỏ để gửi tiền. Hiện, mức tăng lãi suất trần còn rất nhẹ, vì vậy sự dịch chuyển cơ cấu khách hàng từ ngân hàng lớn sang nhỏ không mang tính ồ ạt.
Dựa theo mức lãi suất trên thị trường 1 có tỷ giá tăng ở thời điểm hiện tại, tạo ra yếu tố đầu cơ, họ đã rút tiền cọc ra để mua đô la, chờ giá đô la lên và bán ra có lời, thành ra biện pháp mà các ngân hàng duy trì tỷ suất giữa tiền đồng và đô la đủ lớn để dễ dàng duy trì vốn huy động tiền đồng, ngăn ngừa tình trạng trữ đô la.
Trong thời gian sắp tới, lãi suất huy động được dự đoán sẽ tăng với áp lực thị trường hối đoái, hơn nữa, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ tiếp tục tác động lên thị trường tài chính, từ đó ảnh hưởng lên tỷ giá tiền đồng. Ngoài ra, nếu đồng nhân dân tệ tăng tỷ giá so với đồng đô la thì dẫn đến áp lực lên tỷ giá tiền đồng với đô la.