Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 2/7.
Liên quan đến thông tin tỷ giá mấy ngày nay có diễn biến tăng giá, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết điều này này hoàn toàn chủ động và nằm trong kế hoạch, NHNN đã nắm được. Diễn biến này chủ yếu từ tác động của việc Mỹ tăng lãi suất, USD mạnh lên trên thị trường quốc tế, diễn biến xuất nhập khẩu trong 6 tháng của Việt Nam.
Tuy nhiên, NHNN cho hay luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung – cầu thị trường có vấn đề, Điều này theo ông Hưng để kiểm soát sự ổn định tỷ giá, tránh biến động tỷ giá gây bất ổn vĩ mô, đặc biệt là gây áp lực lên lạm phát.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, cho đến cuối tháng 6, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, diễn biến tỷ giá 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 1%, tất cả các nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng và thị trường hoạt động thông suốt.
Trong 6 tháng đầu năm, NHNN mua vào khoảng trên 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng 63,5 tỷ USD. “Qua đó khẳng định các giải pháp điều hành của Chính phủ và của NHNN đã góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam giúp cho thị trường ngoại tệ và tỷ giá giữ vững sự ổn định”, ông Hưng nhận định.
Về vấn đề lãi suất, Thống đốc Hưng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ hết sức linh hoạt để kiểm soát giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong 6 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,5% góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng.
Về điều hành tín dụng, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực trong nền kinh tế cho thấy phù hợp với cơ cấu tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Đến ngày 26/6, tín dụng nền kinh tế tăng xấp xỉ 6,9% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7%, nông nghiệp nông thôn tăng 7,2%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trên 3%. Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư chứng khoán, bất động sản tín dụng tăng thấp.
Về vấn đề lạm phát, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hoàn toàn đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 6 lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm 2017 tăng khoảng 1,37%. Lạmphát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35%. Diễn biến lạm phát cơ bản duy trì trong biên độ từ 1,3% – 1,5% tức là hết sức ổn định.
Theo ông Hưng, điều đó cũng cho thấy chính sách sách tiền tệ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô được điều hành đúng mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN trong thời gian qua. Điều này này góp phần củng cố nền tảng ổn địn kinh tế vĩ mô, kiểm soát ở mức dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ.
“Lạm phát có thể kiềm chế lạm phát nhưng theo tôi không nên chủ quan bởi diễn biến của giá dầu đòi hỏi các bộ ngành phải phối hợp chặt chẽ trong chính sách vĩ mô đảm bảo mục tiêu đề ra”, ông Hưng khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo vị Thống đốc,tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu tín dụng theo chuyển dịch tích cực, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh đặc biệt xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, chế biến chế tạo.
Ông Hưng cho biết tỷ trọng và tốc độ thu hồi nợ xấu đã tốt hơn rất nhiều khoảng thời gian trước khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đặc biệt, cùng với xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng cũng tích cực triển khai tái cơ cấu đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn.
Ngoài ra, ông Hưng cũng đề nghị các Bộ cùng phối hợp với NHNN để hỗ trợ tín dụng hiệu quả nhất cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.