Theo báo cáo của BVSC, tính riêng trong tuần từ 18/6 đến 22/6, NHNN đã hút ròng gần 11.000 tỷ đồng ra khỏi nền kinh tế thông qua phát hành 10.999,8 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày, trong khi không đáo hạn lượng vốn nào qua kênh này.
Tuần trước đó, NHNN cũng phải hút ra 19.000 tỷ đồng. Theo nhận định của BVSC, diễn biến hút ròng 2 tuần trở lại đây cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang có phần dư thừa hơn so với các tuần trước đó.
Trong khi NHNN rút bớt tiền ra khỏi hệ thống thì giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm khá mạnh.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã giảm từ 1% xuống còn 0,69% vào cuối tuần. Kỳ hạn ngắn khác gồm 1 tuần và 2 tuần cũng đồng loạt giảm mạnh. Tính toán của BVSC cho thấy lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,46% về mức 0,98%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,38% về mức 1,17%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,37% về mức 1,3%/năm.
Trong khi lãi suất một số kỳ hạn dài vẫn tăng khá mạnh khoảng giữa tuần và giảm nhẹ sau đó.
Theo số liệu ước tính đến cuối tháng 5 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng vốn huy động (6,2%) cao hơn khá nhiều số liệu tăng trưởng tín dụng cùng thời điểm (5,8%). Cùng đó, tốc độ tăng của vốn huy động cao hơn cùng kỳ, trong khi tín dụng lại “chạy” chậm hơn 5 tháng đầu năm 2017.
Báo cáo của cơ quan này cũng nhấn mạnh thanh khoản hệ thống vẫn tương đối dồi dào nhờ việc NHNN mua lượng lớn ngoại tệ bổ sung vào dự trữ ngoại hối liên tục tăng và lên mức cao nhất từ trước đến nay. Gần 64 tỷ USD là con số dự trữ ngoại hối được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tháng 6 vừa qua.
Lượng ngoại tệ này tăng 13,5 tỷ USD so với cuối năm 2017 và tăng 36 tỷ USD trong vòng hai năm rưỡi. Tính riêng 5 tháng đầu năm, với 13,5 tỷ USD được NHNN mua vào tương đương khoảng hơn 300.000 tỷ đồng đối ứng, áp lực trung hòa bằng các biện pháp hút tiền linh hoạt là cần thiết để tránh nguy cơ tạo lạm phát sau một độ trễ nhất định.