Ít nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây, quy luật đó không còn tồn tại, cho thấy tính chu kỳ của giá cả đã bị xóa nhòa. Một nền kinh tế hàng hóa ngày càng hình thành mạnh mẽ khiến tính mùa vụ của sản phẩm không còn ảnh hưởng nhiều mặt bằng giá chung, khi sản phẩm thay thế luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, lạm phát không vì thế mà dễ điều hướng.
Lạm phát ‘đánh úp’
Sự trồi sụt của chỉ số giá tiều dùng, nên bắt đầu được nhìn từ cuối năm 2017. Tháng 8 năm ngoái, CPI đột ngột tăng dựng đứng lên mức 0,92% so với tháng trước, dưới tác động của “bộ tứ quyền lực” gồm: thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ y tế và giáo dục.
Đã rất lâu, chỉ tiêu lạm phát mới có lần tăng theo tháng lớn đến mức ấy, nhưng khi đó được giải thích là do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Hết quý IV năm ngoái, thực tế cho thấy các động thái can thiệp chính sách đã phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng thấp xuống, tháng cuối năm chỉ còn tăng 0,12% so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, nền lạm phát thấp thiết lập cuối năm ngoái không phải là một mặt bằng ổn định. Bước sang năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng lập tức “đánh úp” bằng mức tăng 0,51% ngay tháng đầu tiên, tháng tiếp theo khẳng định lo lắng về lạm phát là có thật, khi thiết lập mức tăng mới cao hơn 0,22 điểm phần trăm.
Tháng 3/2018, chỉ số giá tiêu dùng năm chọn vẹn trong giai đoạn sau Tế Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong khi cung nhiều mặt hàng dồi dào. CPI đột ngột rơi thẳng đứng xuống mức âm (-) 0,27%.
Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt con số. So với mức tăng đã rất cao của 2 tháng đầu năm nay, chỉ số giá giảm trong tháng 3 không phản ánh chính xác mặt bằng giá chung. Kết quả là CPI tiếp tục có cả 3 tháng trong quý II để “leo dốc”, qua các mức tăng mới ngày càng cao hơn và đỉnh điểm là CPI tháng 6 tăng 0,61%.
Tác động vào chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm, đáng chú ý là việc tăng giá gần như liên tục của xăng dầu. Suốt hơn chục lần điều chỉnh giá kể từ đầu năm đến nay, lần giảm giá đầu tiên là vào ngày 21/2 đã tác động giảm CPI, trong khi lần giảm gần nhất vào ngày 22/6 thực tế lại chỉ có thể tác động vào CPI tháng 7, do ngày chốt số điều tra chỉ tiêu này vào 15 hàng tháng.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tới 0,59% vào mức tăng CPI chung.
Bên cạnh giá xăng dầu, các nhân tố tác động đến CPI nửa đầu năm nay còn đến từ tăng giá gạo, vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép), tăng lương, điều chỉnh dịch vụ y tế và giáo dục…
Dự cảm cuối năm vẫn ‘căng’
Diễn biến lạm phát thời gian gần đây thực sự đem đến nhiều lo ngại. Ghi nhận từ chuỗi dữ liệu lạm phát, mức tăng CPI tháng 6 vừa qua đã phá vỡ mọi kỷ lục của các tháng 6 trong 7 năm gần đây. Đồng thời, nền lạm phát cao đang đe dọa mục tiêu CPI cả năm có thể không kiềm chế được ở mức 4%, tính theo lạm phát bình quân.
Năm 2018, xu hướng lạm phát binh quân đang đi theo “kịch bản” của năm 2016 là tiến lên mức cao hơn qua từng tháng, khác so với năm 2017 là giảm dần. Điều này có nguyên nhân về mặt con số.
Trong khi CPI từng tháng vào năm 2016 đều ở mức cao hơn năm trước đó, khiến cho chỉ tiêu bình quân theo xu hướng tăng lên. Trong khi năm 2017 thì ngược lại, CPI hàng tháng tăng thấp hơn nền tăng của năm 2016 nên có xu hướng giảm.
Với năm 2018, chỉ tiêu lạm phát bình quân sẽ chậm lại vào các tháng 8 và 9, khi CPI các tháng này vào năm ngoái tăng khá cao, nhưng các tháng còn lại thì do CPI năm ngoái tăng thấp nên lạm phát bình quân sẽ rất khó kiềm chế.
Hiện tại, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm nay đã tăng 3,29% so với cùng kỳ, chỉ để lại một khoảng rất hẹp, tương đương khoảng 0,12% mỗi tháng cho giai đoạn từ nay đến cuối năm, để đảm bảo đạt mục tiêu lạm phát bình quân năm ở mức dưới 4%.
Trong khi đó, rất nhiều nhân tố có thể tác động đẩy lạm phát tiếp tục tăng lên trong 6 tháng cuối năm nay. Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) lưu ý các yếu tố liên quan đến điều hành như sau: tăng lương từ 1/7; giá dịch vụ giáo dục tăng vào tháng 9.
Phía thị trường, tăng giá xăng dầu tiếp tục gây quan ngại có thể thổi bùng lên lạm phát 1 lần nữa. Hay, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu nếu tăng theo lộ trình thì khi áp dụng sẽ tác động làm tăng CPI khoảng 0,27-0,29%. Giá thịt lợn đã tăng 19,8% trong 6 tháng đầu năm cũng sẽ tiếp tục là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng… “Theo tôi, áp lực rất lớn”, bà Ngọc bình luận.
Đoán hướng chính sách
Ngoại trừ can thiệp hành chính đối với việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục của các địa phương, theo hướng giãn thời điểm áp dụng, Chính phủ rất khó để tác động đến mặt bằng giá chung hiện nay.
Xăng dầu hiện điều hành định kỳ 15 ngày/lần, cân đối theo giá quốc tế và can thiệp của Liên Bộ Tài chính – Công Thương chỉ ở phần quỹ bình ổn, trích hay sử dụng. Trong khi đó, phần này hiện chỉ vài trăm đồng/lít, không so được với việc nếu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm sản phẩm này nếu áp dụng sẽ tăng thêm khoảng 1 nghìn đồng/lít.
Giá thịt lợn, giá gạo hiện vẫn theo cung cầu thị trường và riêng gạo còn chịu tác động từ thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, thiên tai những tháng tới rất khó dự báo mức độ ảnh hưởng, nhưng chắc chắn tác động không nhỏ đến lạm phát tại một số địa phương.
Quyết tâm kiểm soát lạm phát của Chính phủ là rõ ràng, nhưng đang phải “băn khoăn” trước xu hướng tăng trưởng giảm vừa ghi nhận trong quý II vừa qua. Tuy nhiên, nhiều khả năng, việc khống chế cung tiền vào nền kinh tế sẽ là giải pháp quan trọng mà Chính phủ sẽ phải tính đến trong chỉ đạo điều hành những tháng tới.
Bởi trong bức tranh lạm phát hiện nay, một chỉ tiêu quan trọng khác là CPI tháng 6/2018 so với cùng tháng năm trước đã tăng 4,67%, không còn nhiều “khoảng trống” so với lãi suất huy động hiện nay của đa số ngân hàng, trong bối cảnh tỷ giá đô-đồng liên tục tăng thời gian gần đây.
Nếu không kiểm soát được lạm phát, lãi suất huy động sẽ chịu sức ép tăng lên, hoặc dòng tiền có thể chuyển hướng sang các kênh trú ẩn khác…
Nhiệm vụ ổn định vĩ mô lúc này đang được Ngân hàng Nhà nước thực thi, rất kịp thời so với diễn biến lạm phát đang gia tăng lo ngại trong thời gian gần đây.
Theo ghi nhận của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MB (MSB), chỉ trong 3 tuần từ ngày 11/6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng qua nghiệp vụ thị trường mở khoảng 1.201 nghìn tỷ đồng.
Ngay lập tức, hệ thống ngân hàng có chỉ dấu khác. Cũng theo MSB, 2 phiên cuối tuần trước và phiên đầu tuần này, các đợt phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước mới không đạt được giao dịch. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng có biểu hiện tăng lên. Như vậy, thanh khoản đang eo hẹp hơn trước.
Tương tự, trên thị trường trái phiếu, rất nhiều đợt phát hành gần đây bị “ế”. Trong khoảng 3 tuần vừa qua, chỉ có khoảng 12.900 tỷ đồng trái phiếu được bán ra. Lợi suất trái phiếu cũng đang nhúc nhích tăng lên ở các kỳ hạn ngắn.
Đối với sức ép từ tỷ giá đô-đồng, ngày hôm qua Ngân hàng Nhà nước đã phát thông điệp sẵn sàng can thiệp. Thực tế, thị trường đã bắt đầu điều chỉnh sau tuyên bố kể trên, dù mới là bước đầu.
Siết thanh khoản, khiến cho tiền đồng mạnh lên, thông điệp rất rõ ràng của cơ quan điều hành là sẽ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra cho năm nay, ở mức khoảng 4%. Cho dù, việc làm này đang đối mặt với nhiều thách thức và rất cần sự hỗ trợ của các chính sách khác, một cách đồng bộ.