Thuận lợi nhiều hơn bất lợi cho con tôm
Trong 4 tháng tính đến tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm vẫn giữ xu hướng giảm về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, đến tháng 9, ngành tôm dự báo sẽ có nhiều hợp đồng mới, nhất là khi các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho thị trường cuối năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Trong khi đó, tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), tôm Việt đang có lợi thế hơn so với tôm của Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, tôm Việt Nam có lợi thế hơn tôm Thái Lan về giá trung bình khoảng 10% do Thái Lan đã mất ưu đãi thuế quan tại thị trường này. Trong khi đó, Ấn Độ vướng quy định kiểm tra chặt chẽ của EU liên quan tới chất lượng sản phẩm.
Một thuận lợi nữa là Mỹ đã giảm thuế chống bán phá giá cho với tôm Việt trong đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12). Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ quyết định mức thuế trong đợt POR12 đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 4,58%, thấp hơn 5 lần so với dự kiến ban đầu. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.
VASEP cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu tôm vào Mỹ. Việc áp mức thuế chống bán phá giá hiện nay là điều kiện thuận lợi để tôm Việt Nam có thể cạnh tranh xuất khẩu tại thị trường này.
Mặc dù thị trường tiêu thụ đang có những dấu hiệu tốt tuy nhiên giá xuất khẩu tôm của Việt Nam và giá tôm thế giới sẽ chưa được cải thiện nhiều, theo nhận định của VASEP.
Từ tín hiệu lạc quan nói trên, dự báo, ngành tôm Việt Nam có khả năng mang về nguồn ngoại tệ hơn 615 triệu USD từ thị trường này trong năm 2018.
Xuất khẩu 8 tháng đầu năm vẫn ảm đạm
Xuất khẩu tôm trong tháng 7 giảm 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái do hầu hết thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh. Xu hướng giảm tiếp tục duy trì sang tháng 8, với giá trị xuất khẩu giảm gần 14%.
Sự sụt giảm trong những tháng gần đây khiến xuất khẩu tôm cả nước trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, nguyên nhân là nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí một số nước đang bán ra với giá thấp. Vì vậy, tôm Việt Nam đang bị cạnh tranh tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Xét về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay, tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo với thị phần là 68% và giá trị xuất khẩu tăng 4%. Ngược lại, giá trị xuất khẩu tôm sú và tôm biển lần lượt đều giảm, kéo tỷ trọng của hai sản phẩm này xuống lần lượt 23% và 9%.
Xét về thị trường, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm 17,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Sau khi giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đã phục hồi trong tháng 8 với tổng giá trị đạt 81,6 triệu USD, tăng 14,5%.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn giảm 5,4% xuống 393,4 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường EU giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 89,3 triệu USD.
VASEP cho biết, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ EU vẫn tốt cộng với một số đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường EU gặp khó nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm nay. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt sang EU trong 8 tháng đầu năm nay tăng 17,7% và đạt 569,2 triệu USD.