Tăng trưởng cả lượng và chất
Tại hội thảo: “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững” diễn ra ngày 27- 3 tại Hà Nội, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, cho hay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm năm 2017 đạt gần 7,7 tỉ đô la Mỹ, đạt mức tăng trưởng 12,6% so với kim ngạch năm 2016.
“Đây là một thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, với xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế sự hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính”, ông Phúc nói.
Không chỉ tăng về lượng, xuất khẩu gỗ còn đang tăng trưởng ấn tượng về chất. Năm 2017, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng trong nhóm sản phẩm gỗ (HS 94), là nhóm có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng từ con số 63,5% của năm 2015 và 2016. Các nhóm mặt hàng gỗ xuất khẩu gồm ghế ngồi (HS 9401), đồ nội thất (HS 9403) và một số mặt hàng thuộc nhóm gỗ dán (HS 4412). Xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, xẻ) giảm.
Năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tại bốn thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nguồn thu từ bốn thị trường này trong năm 2017 chiếm 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Riêng kim ngạch từ thị trường Mỹ chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tăng trưởng từ thị trường này đạt 13,6%, góp phần quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2017.
Còn đó nhiều rủi ro
Các đại biểu trong hội thảo đều cho rằng, mặc dù ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất, ngành này vẫn có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do các thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là bốn thị trường quan trọng nhất của Việt Nam kể trên.
Theo ông Tô Xuân Phúc, những ngày vừa qua, thương mại toàn cầu đã phải chứng kiến những biến động lớn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế tới 60 tỉ đô la Mỹ vào các mặt hàng có nguồn gốc từ thị trường Trung Quốc.
Dù tới nay vẫn chưa biết là sản phẩm nào sẽ nằm trong “diện” đánh thuế của Mỹ. Nếu đó là sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc, rất có thể sẽ có một làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến.
Thời gian gần đây đã cho thấy sự tăng trưởng trong đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Có thể sự dịch chuyển này là những động thái nhằm tránh các chính sách về thuế của Mỹ áp dụng cho các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào quốc gia này.
Gia tăng đầu tư Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam cũng có thể là phản ứng của các doanh nghiệp Trung Quốc với chính sách môi trường ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc đối với các ngành sản xuất nội địa.
Mỹ là thị trường tiêu thụ khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của cả Việt Nam. Thặng dư trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 32 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, nghiêng về phía Việt Nam đã đẩy Việt Nam vào danh sách sáu quốc gia có mức thâm hụt lớn nhất đối với Mỹ. Chính vì điều này, Việt Nam đã trở thành quốc gia được Mỹ quan tâm lớn, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu như hàng điện tử, may mặc, giầy dép và đồ gỗ. Riêng đối với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam từ Mỹ đạt trên 2 tỉ đô la. Mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý của Mỹ.
“Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ”, ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, với ba thị trường lớn khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn.
Đến nay, Trung Quốc là thị trường mang tính mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Thặng dư thương mại các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 600 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại Quốc gia này. Hiện Chính phủ đã áp dụng quy định chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong các cơ quan công quyền.
Còn Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act), có hiệu lực từ tháng 5-2017. Hiện Chính phủ đang ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng đạo luật này.
Hàn Quốc thì đã ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) và chính thức có hiệu lực vào tháng 3-2018.
Việc thực thi các đạo luật kể trên có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường nói trên trong thời gian tới.