“Nếu tình trạng bán khống tiếp tục ‘thả rông’ như hiện nay, mà cơ quan quản lý không có biện pháp giám sát chặt chẽ thì cả CTCK lẫn NĐT và thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro”, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng – Chứng khoán – Đầu tư cảnh báo khi trao đổi với ĐTCK.
Một số CTCK lợi dụng “khoảng trống” quy định pháp lý về bán khống để triển khai hoạt động này. Theo ông, hoạt động bán khống “ngầm” tác động ra sao đến TTCK?
Đang có một thực tế đáng báo động là nghiệp vụ bán khống chưa được luật hoá, nên các CTCK không ngại lợi dụng “khoảng trống” này để triển khai nhằm giành giật khách hàng, gia tăng thị phần. Kiểu triển khai lén lút này tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia TTCK, nhất là dễ nảy sinh tranh chấp giữa CTCK với NĐT khi diễn biến thị trường không như mong đợi của họ.
Việc các CTCK ngấm ngầm cho bán khống còn làm méo mó cung cầu trên thị trường, đồng thời là một trong những mầm mống làm nảy sinh vấn nạn làm giá chứng khoán.
Mặt khác, việc cho bán khống còn đẩy các CTCK đến chỗ mập mờ thông tin hoạt động, đặc biệt là thông tin báo cáo về sức khoẻ tài chính cho cơ quan quản lý. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố minh bạch của thị trường, nhất là với các CTCK đã niêm yết.
Bản thân các CTCK cũng đối mặt với nhiều rủi ro?
Đúng vậy, do pháp luật chưa có quy định rõ ràng cho phép triển khai nghiệp vụ này, cũng như các biện pháp giám sát đi kèm, nên trong quá trình triển khai bán khống rất dễ dẫn đến tình trạng “lật kèo” giữa CTCK và NĐT khi thị trường có diễn biến bất lợi cho các bên.
Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) không có công cụ giám sát chặt tình trạng CTCK cho bán khống, thì dễ khiến CTCK bị mất thanh khoản, ảnh hưởng đến các giao dịch liên quan trên thị trường. Không loại trừ tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống của TTCK nếu các CTCK đua nhau triển khai bán khống.
Thưa ông, việc giám sát hoạt động bán khống nên được bắt đầu từ đâu?
Từ năm 2005, UBCK đã có kế hoạch trình Bộ Tài chính hệ thống pháp lý nhằm giám sát chặt hoạt động bán khống, nhưng không hiểu sao đến nay ý tưởng này vẫn chưa được cụ thể hoá. Những tác động tiêu cực của hoạt động bán khống là quá rõ, nên không thể kéo dài tình trạng “thả rông” nghiệp vụ này.
Một đặc thù rất quan trọng đối với hoạt động quản lý các nghiệp vụ trên TTCK, trong đó có bán khống, là phải đảm bảo mang tính cảnh báo, phòng ngừa từ xa, chứ không thể để sự đã rồi mới tính đến chuyện khắc phục hậu quả, bởi như vậy thì thị trường, NĐT đã bị trả giá đắt.
Việc giám sát hoạt động bán khống nên bắt đầu từ hoàn thiện chế độ báo cáo, cũng như hệ thống giám sát giao dịch đối với các CTCK, để phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường. Trên cơ sở đó tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn hoạt động bán khống. Kèm theo đó, cần có hệ thống chế tài xử lý chi tiết, đủ mạnh để tạo sức răn đe đối với các CTCK cố tình vi phạm.
Nếu tình trạng các CTCK vi phạm về bán khống gần như không bị phát hiện và xử lý như hiện nay, thì rất có thể sẽ xuất hiện “cuộc đua” bán khống, khiến TTCK đối mặt với nhiều rủi ro khó lường.