Nơi đây không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp quy mô vừa nhỏ mà những cái tên “lớn” trong làng BĐS như Đất Xanh, Phúc Khang, Sacomreal, Him Lam… cũng được nhắc đến với các dự án đã và đang được đầu tư tại thị trường này.
Đầu năm 2018, Vingroup xúc tiến đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí tại khu đất có diện tích khoảng 900ha tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Đầu tháng 3/2018, UBND tỉnh Long An đã lấy ý kiến đề xuất và thống nhất thành lập khu kinh tế mở do Công ty Địa ốc Him Lam làm CĐT.
Theo đó, khu kinh tế mở rộng hơn 32.300 ha, nằm trên địa bàn huyện Cần giuộc và Cần Đước sẽ gồm khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu cảng biển quốc tế, ở giữa lõi là khu đô thị. Ngoài ra, đơn vị này còn đề xuất điều chỉnh công năng 7 khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III.
Một đơn vị khác là Nam Long, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đầu tư một siêu dự án là Waterpoint với quy mô lên đến 381ha tại thị trường Long An. Sacomreal, FLC cũng có kế hoạch đầu tư vào thị trường này.
Mới đây nhất, Tập đoàn Đất Xanh cũng tìm kiếm “thị phần” tại thị trường Long An bằng việc khai trương Công ty CP Đất Xanh Long An với vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Theo đại diện đơn vị này, việc thành lập công ty được xem là hoàn thiện chuỗi phân phối dự án của Tập đoàn từ Bắc vào Nam, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận các dự án BĐS tại thị trường lân cận Tp.HCM như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ…
Ngoài thị trường trọng điểm tại Long An, công ty này cũng sẽ phát triển thêm hoạt động ở thị trường Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi và mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.
Vốn là sân chơi quen thuộc của các doanh nghiệp BĐS như Trần Anh, Cát Tường, T&T Group, Thắng Lợi… hiện BĐS Long An đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các CĐT tên tuổi khu vực Tp.HCM.
Theo các chuyên gia, nhiều DN buộc phải “đánh bắt xa bờ” để tìm kiếm thị phần trước bối cảnh quỹ đất ven Sài Gòn dần khan hiếm”, cạnh tranh khốc liệt. Mặc dù chưa xuất hiện quy mô dự án dày đặc nhưng với tình hình “manh nha” quỹ đất lớn của các DN tên tuổi, dự kiến thời gian tới Long An sẽ xuất hiện nhiều dự án đình đám.
Lý giải về sức hút của thị trường Long An, giới chuyên môn cho rằng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển đã giúp thị trường BĐS Long An tăng trưởng mạnh mẽ. Cao tốc TP.HCM – Trung Lương đi vào hoạt động từ năm 2010 sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch nối Tp.HCM với các tỉnh miền Tây.
Dự kiến trong năm nay, đường cao tốc lớn nhất miền Nam là cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua địa bàn Tp.HCM, Long An và Đồng Nai sẽ hoàn thành. Theo đó, thời gian đi từ Long An đến Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… được rút ngắn nhờ tuyến cao tốc này chính là điểm tạo nên sức hấp dẫn cho BĐS nơi đây.
Ngoài ra, theo đề án quy hoạch vùng đến năm 2020, đây là khu vực kết nối các vùng kinh tế động lực của quốc gia (Tp.HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long). Ba huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của tỉnh Long An sẽ là đô thị vệ tinh của Tp.HCM. Điều này sẽ khiến thị trường nhà ở tại Long An hấp dẫn các NĐT khu vực lân cận trong tương lai gần.
Có một thực tế là thời gian qua, quỹ đất dự án tại Long An đã được các DN BĐS vừa và nhỏ khai thác khá nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung toàn thị trường quỹ đất Long An còn dồi dào hơn hẳn so với các khu vực ven Tp.HCM.
Trong khi khoảng cách để di chuyển từ Long An về Sài Gòn không quá xa đã và đang tạo tiền đề cho các NĐT lẻ đổ về đây đầu tư sinh lời. Thực tế cũng minh chứng, hầu hết các dự án chào bán tại Long An thời gian qua đã thu hút khoảng 20-40% là NĐT Tp.HCM đổ tiền vào mua. Thậm chí, dòng tiền của NĐT còn rót vào các dự án xa xôi của khu vực.
Tuy nhiên, với sự đổ bộ của các dự án, theo các chuyện gia, sự cạnh tranh ở thị trường này khó tránh khỏi. Trong đó, cạnh tranh về quỹ đất, nguồn khách hàng, giá cả dự án… dự báo sẽ diễn ra khá gay gắt trong thời gian tới.