Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ Công thương kiến nghị giao liên danh đầu tư Geleximco – HUI thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV).
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cũng đứng trước nguy cơ phải nhường dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 cho Geleximco – HUI.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, đối tác liên danh với Geleximco là Công ty TNHH Hồng Kông United Investors Holding (HUI), một công ty con thuộc Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc).
Lý do đề xuất cho liên danh Geleximco thực hiện, Bộ Công thương đánh giá đến 30-9-2017 tổng nợ vay hợp nhất của TKV khoảng 78.000 tỉ đồng, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 2,5 lần.
Nếu đầu tư vốn vào dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV sẽ phải huy động thêm khoản nợ vay 39.000 tỉ đồng. Và vào năm 2021, tổng nợ vay của TKV lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, dẫn đến tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ vượt quá quy định cho phép.
Phản ứng trước động thái này, phía EVN cho rằng đề xuất đầu tư dự án điện theo hình thức PPP của liên danh Geleximco – HUI chưa được quy định với công trình điện.
Thời gian thành lập công ty liên danh kéo dài sẽ làm chậm tiến độ dự án. Và đến nay, các dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 đã được Thủ tướng giao cho EVN làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, với 80% vốn vay thương mại để thực hiện dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, liên danh Geleximco – HUI cam kết tự thu xếp vốn thực hiện dự án, không cần bảo lãnh Chính phủ.
Dự kiến, liên danh này sẽ huy động vốn từ tổ hợp ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu.
Liên danh trên cũng cam kết tiến độ cực nhanh: nếu được giao làm chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, trong 3 tháng kể từ ngày thành lập công ty liên doanh sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng; 2 tháng tiếp theo ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật…
Ngoài dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, thời gian qua liên danh đầu tư Geleximco – HUI đã có văn bản gửi Thủ tướng bày tỏ mong muốn được đầu tư vào 4 dự án nhiệt điện khác, gồm: Quỳnh Lập 2 (1.200 MW), Quảng Trạch 1 (1.200 MW), Quảng Trạch 2 (1.200 MW), Hải Phòng 3 (2.400 MW).
Nếu được đồng ý, liên danh với nguồn vốn Trung Quốc này sẽ nắm một lượng không nhỏ công suất phát điện của VN.