Nhìn lại lịch sử
Ngày 26/6, YEG (Yeah1) chào sàn HoSE với giá khởi điểm 250.000 đồng/CP và lập tức tăng hết biên độ 20% trong ngày đầu tiên lên 300.000 đồng/CP. Hai phiên tiếp theo, YEG tiếp tục 1 phiên tăng trần và tăng mạnh lên 343.000 đồng/CP, nhưng rồi các phiên kế tiếp lại liên tục giảm sàn. Tính đến khi kết thúc phiên 6/7, YEG tiếp tục giảm và chỉ còn 225.000 đồng/CP, mất 10% giá trị so với ngày chào sàn.
Khách quan mà nói, YEG chào sàn ở thời điểm không quá thuận lợi của thị trường chứng khoán, 3 phiên CP này giảm sàn cũng là 3 phiên VN-Index giảm xuống chỉ còn 900 điểm thậm chí có lúc xuyên thủng cả ngưỡng này. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, CP giảm sàn đến 3 – 4 phiên ít nhiều cho thấy những sự bất thường. Ở đây cần phải phân tích cả nguyên nhân chủ quan mà đó chính là cách thức chọn giá chào sàn của CP này.
Cần nhắc lại một chút về giai đoạn 2009 – 2010, khi đó thị trường chứng khoán mới phục hồi sau một năm 2008 sụt giảm rất mạnh, giá CP cũng trở về mức hấp dẫn, nên đã tăng mạnh trở lại. Lúc này có hiện tượng DN mới lên sàn và chọn giá chào sàn khá thấp, nhưng kéo theo đó là một loạt các phiên tăng trần, mà điển hình là CP của một công ty ở khu vực Đông Nam bộ với mức độ tăng giá gấp đôi chỉ sau vài tháng chào sàn.
Tuy nhiên, chào sàn giá thấp phải đi kèm với việc nguồn cung trôi nổi bên ngoài không nhiều. Một thập kỷ trước, vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, nhiều CP sau khi lên sàn mới được cổ đông lớn bán ra bên ngoài, nên lượng CP ở vào trạng thái “cô đặc”, khiến giá CP có thể tăng mạnh, sau một thời gian thì được cung ứng dần ra thị trường. Cũng nhờ vào hiện tượng “tiết cung” này mà giá CP dù tăng mạnh, đôi khi vượt quá giá trị của DN nhưng vẫn có thể tiếp tục tăng.
Nói “thách” sẽ trả giá
Vấn đề là chiêu trò này cũng chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, bởi đơn giản khi thấy giá CP tăng mạnh sau khi chào sàn, NĐT bắt đầu săn tìm và mua từ dưới sàn, lượng cung hàng tăng lên, đến khi lên sàn thay vì đợi kịch trần 10 phiên mới bán thì giảm xuống còn 7 phiên rồi 5 phiên, 3 phiên… Chưa kể, thị trường trong suốt giai đoạn 2011-2015 cũng không mấy thuận lợi để giá CP có thể tăng trần nhiều phiên.
Kể từ năm 2016 đến nay, thị trường thuận lợi trở lại đã thu hút đáng kể lượng CP mới niêm yết và tất nhiên kỳ vọng dành cho hàng hoá mới cũng sẽ tăng cao và người ta thường trả giá khá rộng tay cho các DN “tân binh”. Đó cũng là lý do mà đa số những DN lớn, đầu ngành, làm ăn thuận lợi lên sàn trong 3 năm gần đây đều có diễn biến giá CP tích cực.
Trở lại với câu chuyện của YEG, đây là một DN mới (tất nhiên) với một ngành nghề cũng rất mới đó là dịch vụ quảng cáo trực tuyến, các ứng dụng trên nền tảng internet… Nhưng vấn đề của YEG là rất ít có cơ sở để tham chiếu, DN cùng ngành niêm yết trước đây chưa có, trong khi việc hiểu rõ ngành nghề của DN này cũng không dễ và tất nhiên cộng hưởng với cả yếu tố thuận lợi của thị trường sẽ khiến nhiều nhà đầu tư cần phải thận trọng xem xét.
Vì thế, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trong 3 phiên tăng của YEG lúc mới chào sàn cũng chỉ khoảng 100.000 CP tương ứng với vài chục tỷ đồng, một con số cũng không quá lớn. Ở đây không bàn đến việc có đối tác ngoại mua thoả thuận CP này với tầm nhìn khác với các nhà đầu tư cá nhân trên sàn. Vấn đề nằm ở chỗ, giao dịch CP trên sàn thì phải có cả hai kênh khớp lệnh với thoả thuận, nhà đầu tư có cả nhỏ lẻ lẫn tổ chức. Việc YEG chọn một mức giá lên sàn cao, tăng mạnh, rồi lại giảm mạnh, đan xen trần-sàn có thể tạo ra cảm giác đây là CP có biến động “mạnh” khó chơi, qua đó giảm đi cơ hội để nhà đầu tư tiếp cận với DN và chính DN cũng khó nói chuyện với nhà đầu tư hơn.