Suốt nhiều tháng qua, một trong những nội dung công bố thông tin quen thuộc của nhiều công ty chứng khoán là thông báo thay đổi lãnh đạo, nhân sự cao cấp hay đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch.
Chỉ tính riêng trong tháng 6 vừa qua, đã có hàng loạt nhân sự cao cấp của nhiều công ty chứng khoán rời vị trí, với nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, chỉ trong một ngày (9/6), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBBS) công bố miễn nhiệm chức vụ Phó giám đốc đối với Bà Nguyễn Thị Thu Hương; CTCP Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) bổ nhiệm bà Lê Thị Mai làm Phó tổng giám đốc và CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS) bổ nhiệm ông Vũ Hồng Sơn làm Giám đốc Chi nhánh TP.HCM.
Hay mới đây, ngày 15/6, CTCP Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VISecurities) công bố ông Tạ Quốc Dũng làm quyền Tổng giám đốc, thay ông Phạm Linh; CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CSC) thông báo đóng cửa chi nhánh tại TP.HCM và miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty đối với bà Vương Thị Thanh Đan; CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) công bố miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Nam Hà…
Điểm chung của những động thái trên, dù là đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, hay bổ nhiệm, miễn nhiệm… là đều có những nhân sự cấp cao của các công ty (ít nhất từ Trưởng phòng giao dịch, hay giám đốc chi nhánh) không thể tại vị, phải ra đi tìm bến đỗ mới, chấp nhận những thử thách mới.
Nếu như sự biến động ở “thượng tầng” các công ty chứng khoán dễ nhìn thấy, bởi đó là các thông tin thuộc diện bắt buộc công bố, thì sự xáo trộn, biến động ở cấp thấp hơn, cụ thể là trong đội ngũ nhân viên của công ty chứng khoán dù ít được nhắc đến, nhưng diễn ra mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán tại Hà Nội, hầu hết các công ty chứng khoán đều phải cắt giảm đáng kể nhân lực do thị trường quá khó khăn. Mức cắt giảm đối với một số bộ phận có thể lên đến 30-40%.
Đối với các bộ phận phục vụ, mang tính hỗ trợ như khối văn phòng, truyền thông… thì mức cắt giảm là tối đa. Các công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng hay tập đoàn có xu hướng sử dụng nhân viên truyền thông chung với các đơn vị thành viên khác, trong khi công ty chứng khoán quy mô nhỏ chỉ duy trì một, hai cán bộ để hoạt động cầm chừng.
Đối với các nhóm nhân sự có nghiệp vụ trực tiếp, như tư vấn, đầu tư (tự doanh) hay đặc biệt là môi giới, sự thanh lọc diễn ra ở mức độ rất khắc nghiệt. Lâu nay, nhân viên môi giới luôn chiếm số lượng áp đảo tại các công ty chứng khoán, nay thị trường tụt dốc, quy mô cả hai sàn chỉ vài trăm tỷ đồng, thì chính đội ngũ môi giới lại trở thành “gánh nặng” khó xử lý nhất của công ty chứng khoán. Tuy vậy, các công ty chứng khoán luôn là người nắm đằng chuôi trong xử lý vấn đề này.
Phó giám đốc một công ty chứng khoán vừa từ nhiệm tiết lộ, do đặc thù của hoạt động môi giới là gắn với chỉ tiêu doanh thu phí môi giới, khi thị trường sôi động, các công ty chứng khoán thu hút đội ngũ môi giới bằng chỉ tiêu doanh thu – kéo theo đó là mức hoa hồng được hưởng. Nay thị trường ảm đạm, họ cũng dùng chính chỉ tiêu doanh thu này như “hàng rào kỹ thuật”, các nhân viên không đạt chỉ tiêu về phí môi giới đương nhiên phải rời công ty một cách chính đáng, trừ khi họ còn ràng buộc tài chính chưa xử lý dứt điểm với công ty.
Về khách quan, sự thanh lọc này là không thể tránh khỏi, song không phải không có yếu tố tích cực. Có thể nhận thấy, đây chính là thời điểm để các công ty tái cơ cấu đội ngũ, giữ lại những người thực sự giỏi, chuẩn bị cho thời kỳ thị trường phục hồi. Số nhân viên có “thương hiệu” này cũng trở thành đích ngắm của nhiều công ty chứng khoán khác, hoặc dễ dàng tìm cơ hội ở các đơn vị khác thuộc lĩnh vực tài chính, như các ngân hàng, quỹ đầu tư, hay thậm chí là các công ty niêm yết. Số ít kinh nghiệm hơn sẽ rất khó khăn khi tìm bến đỗ mới, đành chấp nhận làm cộng tác viên như hình thức giữ chỗ để chờ thị trường hồi sinh.