Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 25/6.
Có nhiều hiệu ứng tích cực hỗ trợ VN-Index
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Với diễn biến hồi phục trong phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index có thể sẽ có thêm các phiên tăng điểm nhẹ trong tuần tới.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II và hiệu ứng chốt NAV của các quỹ được đánh giá là những tin tức hỗ trợ tích cực cho VN-Index trong tuần sau.
Thử gia tăng danh mục cho những mã cơ bản tốt đã về mức giá hấp dẫn
(CTCK BIDV – BSC)
Phiên cuối tuần khép lại với sắc xanh bao phủ thị trường, thanh khoản gia tăng trở lại mức trung bình gần đây cho thấy thị tâm lý thị trường đang trở về trạng thái cân bằng.
Khối ngoại tiếp tục đà mua ròng mạnh trên HOSE nhưng vẫn bán ròng trên HNX.
BSC nhận định tâm lý thị trường đã có phần bớt lo ngại nhưng xu hướng tăng điểm mạnh vẫn chưa rõ ràng.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế việc sử dụng margin và có thể thử gia tăng cấu phần danh mục cho những mã cổ phiếu cơ bản tốt đã trở về mức giá hấp dẫn trong đợt điều chỉnh vừa rồi.
Giải ngân khi có phiên tăng điểm đóng cửa lấp gap hoàn toàn
(CTCK Phú Hưng – PHS)
Tuy phải chịu rủi ro nguồn cung khi lượng hàng bắt đáy phiên 19/6 được giao dịch nhưng VN-Index đã có phiên tăng điểm tốt.
Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp nhưng có sự tăng nhẹ so với phiên trước. Việc tăng điểm khi đối mặt với áp lực bán T+ là một tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, việc không nhận được sự ủng hộ từ thanh khoản kèm việc chưa đóng cửa lấp gap hoàn toàn khiến cho VN-Index vẫn còn đối mặt với rủi ro rung lắc trong vài phiên tới.
Nhà đầu tư nên tiếp tục kiên nhẫn quan sát thêm và chỉ cân nhắc tham gia giải ngân trở lại khi thị trường có phiên tăng điểm đóng cửa lấp gap hoàn toàn.
Ưu tiên giải ngân các mã vốn hóa lớn đang dẫn dắt thị trường
(CTCK KB Việt Nam – KBSV)
Xu hướng giảm giá (trong trung/dài hạn) vẫn đang chi phối thị trường.
Ba trụ cột VIC VCB HPG đều bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh của mình (đặc biệt VIC và VCB). VIC đang có dấu hiệu suy yếu rất nhanh khi thanh khoản đột ngột giảm về mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây.
Lực cầu mạnh mẽ từ khối ngoại giúp VNM nổi lên thay thế vai trò của VIC trong 2 phiên gần đây.
Diễn biến của thị trường ngày càng trở lên khó lường khi dòng tiền vẫn tập trung trong một nhóm nhỏ cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng lại không mang tính đại diện cho nhóm/ngành, chưa có dấu hiệu lan tỏa sang phần còn lại như kỳ vọng.
Rủi ro toàn phần tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong tình trạng tiêu cực của thị trường chứng khoán Châu Á hiện tại.
Đề xuất: Kiên nhẫn chờ đợi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và Ngân hàng điều chỉnh giảm (ít nhất cho đến khi xu hướng giảm giá ngắn hạn đảo chiều).
Về mặt kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn đã bắt đầu chuyển sang tăng giá nên trong trường hợp chấp nhận rủi ro cao, ưu tiên giải ngân các mã vốn hóa lớn đang dẫn dắt thị trường hiện tại: VIC, VCB (và nhóm Ngân hàng), HPG.
Có thể có một tuần tăng điểm nhằm lấy lại ngưỡng 1.000 điểm
(CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS)
Thị trường đã có liên tiếp bốn phiên giao dịch tích lũy lại tại vùng giá thấp hơn trong khoảng 950-1.000 điểm.
Trong phiên hoảng loạn 19/6, VN-Index có thời điểm thủng mốc 950 điểm nhưng hồi phục ngay sau đó nhờ lực cầu bắt đáy khá tốt.
Chúng tôi cho rằng vùng 1.000-1.050 điểm và 900-950 điểm sẽ là vùng kháng cự và hỗ trợ cho thị trường trong tuần giao dịch tới, và diễn biến giằng co tích lũy với những phiên tăng giảm đan xen của VN-Index có thể tiếp tục diễn ra.
Thanh khoản trong giai đoạn này sẽ vẫn giữ ở mức thấp do tâm lý dần chán nản của nhà đầu tư và một phần dòng tiền sẽ chuyển hướng sang thị trường phái sinh.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ có một tuần tăng điểm nhằm lấy lại các mốc quan trọng đã mất, mà gần nhất là ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ trọng ở mức an toàn và quan sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý.
Nhà đầu tư dài hạn nên tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm.