VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 15/6/2018.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/6, VN-Index giảm 14,81 điểm xuống 1.015,72 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,75 điểm xuống 114,91 điểm.
Tiếp tục chịu áp lực giảm điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
“Chỉ số VnIndex dự kiến sẽ có biến động lớn trong phiên ngày mai khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF diễn ra. Dưới áp lực cơ cấu này, nhiều khả năng chỉ số VnIndex sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm”.
Hạn chế sử dụng margin
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC)
“Trái với diễn biến tích cực ở đầu phiên giao dịch, thị trường quay đầu giảm điểm với lực bán ngày càng mạnh khi về cuối phiên chiều. Các nhóm cổ phiếu chính (Ngân hàng, Dầu khí) đều chìm trong sắc đỏ. Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến khối ngoại bán ròng với giá trị lớn, trái ngược với mức mua ròng nhỏ giọt tại phiên giao dịch trước. BSC duy trì nhận định tâm lý thị trường vẫn cẩn trọng, nhà đầu tư có thể giải ngân vào những phiên giảm điểm nhưng hạn chế việc sử dụng margin”.
Chờ đợi cơ hội an toàn hơn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)
“Sau thông tin tăng lãi suất của FED, thị trường quốc tế đã có nhưng phản ứng khá tiêu cực và VN-Index cũng không phải một ngoại lệ. Các chuyên gia nhận định khả năng FED có thể sẽ tiếp tục thực hiện 2 đợt tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2018. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự lo ngại của nhà đầu tư về biến động dài hạn của thị trường chứng khoán. Với thị trường Việt Nam, đợt tăng lãi suất này có thể chỉ là phản ứng tiêu cực nhất thời, bởi thực tế động thái dòng tiền khối ngoại chảy ra khỏi thị trường đã bắt đầu từ tháng 4/2018. Phiên kế tiếp sẽ là phiên xảy ra giao dịch lớn của các ETFs nên không thể loại trừ khả năng sẽ xuất hiện những tín hiệu nhiễu của thị trường. Do đó, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị quan sát, chờ đợi cơ hội an toàn hơn trong tuần giao dịch kế tiếp”.
Giằng co, tích lũy với biên độ 1.005-1.045
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội – SHS)
“Thị trường quay đầu giảm mạnh sau khi hồi phục khá tốt trước đó. Thanh khoản có sự cải thiện cho thấy lực cầu giá thấp vẫn xuất hiện để nâng đỡ thị trường. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đã có tám phiên liên tiếp dao động giằng co với biên độ chỉ 40 điểm trong khoảng 1.005-1.045 điểm. Trong bối cảnh mà phiên cơ cấu danh mục cuối cùng trong kỳ review này của hai quỹ ETF sắp diễn ra thì thanh khoản phiên cuối tuần có khả năng sẽ tăng lên nhưng biến động giằng co trong khoảng giá này nhiều khả năng là không có sự thay đổi. Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, xu hướng chủ đạo của VN-Index sẽ tiếp tục là giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 1.005-1.045 điểm như diễn biến của tám phiên trước đó. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng những phiên hồi phục để hiện thực hóa lợi nhuận bắt đáy trước đó và chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng các phiên giảm điểm để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tích cực trong 6 tháng cuối năm”.
Xu thế của thị trường vẫn là điều chỉnh
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
“Sau phiên phục hồi kỹ thuật, các chỉ số nhanh chóng quay đầu giảm điểm mạnh. Trong ngắn hạn, xu thế của thị trường vẫn là điều chỉnh. Nếu không sớm phục hồi thì xu hướng giảm trung hạn sẽ tiếp tục diễn ra. Nhà đầu tư nên thận trọng chờ thêm một vài phiên nữa để xác định chính xác xu thế tiếp theo của thị trường”.
Sẽ tiếp tục xu hướng giảm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
“Phiên giảm điểm hôm nay đã khiến VN-Index đóng cửa phía dưới đường MA10 ngày tại 1022 điểm, qua đó chuyển tín hiệu Tích cực xuống mức Trung tính với hỗ trợ tiếp theo của đường MA20 nằm tại 1000 điểm và xa hơn là hỗ trợ MA200 tại 980 điểm. Dự báo, thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng điều chỉnh giảm vào ngày mai để chỉ số sàn HOSE kiểm định ngưỡng hỗ trợ nói trên. Tương tự, chỉ số VN30 có thể sẽ kiểm định khu vực 980 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên duy trì chiến lược đứng ngoài thị trường và quan sát”.