Trong hơn 1 tháng qua, Trung Quốc đã được tận hưởng lợi thế từ việc đồng nhân dân tệ giảm giá, mà chưa phải chịu hậu quả nào, chẳng hạn việc dòng vốn ồ ạt tháo chạy ra nước ngoài từng diễn ra năm 2015.
Kể từ giữa tháng 6 tới nay, đồng nhân dân tệ giảm giá gần 5% và đầu tuần này chạm mức thấp nhất so với USD trong 1 năm qua, xuống dưới ngưỡng 6,8 nhân dân tệ đổi 1 USD. Diễn biến này xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu với mức giảm mạnh nhất trong 2 năm.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ”, “để đồng tiền rơi xuống thẳng đứng”. Những bình luận này được thể hiện trên Tweeter và cuộc phỏng vấn với CNBC, khiến các thành viên thị trường không khỏi lo ngại cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng sang lĩnh vực tiền tệ.
Không riêng Trung Quốc chịu chỉ trích, ông Trump cũng giữ quan điểm cho rằng Liên minh châu Âu (EU) “thao túng đồng tiền và duy trì lãi suất ở mức thấp”. Thực tế, đồng euro cũng đã giảm giá so với USD kể từ đầu năm tới nay và nhiều khả năng các chính sách tiền tệ của khu vực này sẽ không có gì thay đổi khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp mặt vào tuần tới.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới giữ thái độ gay gắt và có động thái “hiếu chiến” sẽ dẫn tới hậu quả ghê gớm, không chỉ trong phạm vi giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất cả các loại tài sản đầu tư từ chứng khoán, dầu mỏ tới tài sản tại các thị trường mới nổi đểu gặp nguy hiểm khi thị trường tiền tệ toàn cầu, hiện đạt 5.100 tỷ USD giao dịch mỗi ngày, bị tấn công bởi các động thái từ 2 phía Mỹ – Trung.
Sau phát biểu của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nhanh chóng xác nhận việc Mỹ đang xem xét sát sao liệu Trung Quốc có thao túng thị trường tiền tệ hay không.
“Không có gì để nghi ngờ về việc đồng tiền yếu đi sẽ tạo ra những lợi thế thương mại bất công cho Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem xét thật cẩn thận việc có hành vi thao túng tiền tệ hay không”, ông Steven Mnuchin nói.
“Nguy cơ hiện hữu đối với chúng ta là hoạt động giao thương toàn cầu và thị trường tiền tệ như cuộn len, chỉ cần một sợi xổ ra, tất cả chỉ còn là mớ bòng bong. Với những động thái của ông Trump gần đây, cuộc chiến thương mại đã dần dịch chuyển sang chiến tranh tiền tệ”, Jens Nordvig, chiến lược gia tiền tệ phố Wall, người sáng lập Exante Data LLC cho biết.
Trong khi đó, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế, cựu chiến lược gia tiền tệ trưởng tại Goldman Sachs Group Inc nhận định, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từng giảm giá sốc năm 2015 là ví dụ gần nhất cho thấy một cuộc chiến tiền tệ sẽ như thế nào.
Các tài sản đầu tư, giá dầu sẽ lao dốc khi mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế gia tăng, đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nhất, trong đó có thể kể tới những cái tên như ruble (Nga), peso (Colombia) và ringgit (Malaysia), trước khi lan rộng ra toàn châu Á.
“Ban đầu, ngân hàng trung ương các quốc gia châu Á sẽ cố can thiệp nhằm bảo vệ đồng nội tệ. Nhưng sau đó, các cơ quan này sẽ phải lùi lại và theo tôi, trong 6 tháng tới, các loại tài sản có màn biểu diễn dưới khả năng nhất sẽ thuộc về thị trường mới nổi châu Á”, Robin Brooks cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nhân dân tệ khó có thể giảm giá hơn nữa và giới chức Trung Quốc sẽ có sự can thiệp để kiểm soát đà rơi của đồng nội tệ. Bloomberg Economics ước tính, đồng nhân dân tệ đang được định giá cao hơn 6,6% so với các nền tảng kinh tế cơ bản. Do đó, có lý do để Trung Quốc điều chỉnh giá đồng nội tệ và mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Chưa kể, nhân dân tệ giảm giá sâu hơn chắc chắn sẽ khiến dòng tiền chảy ra nước ngoài. Theo Morgan Stanley, trong tháng 6/2018, đã có 10,7 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc và con số này sẽ còn tăng lên nếu nhân dân tệ lao dốc.