Ba tháng qua, NDT đã mất giá 7,7% so với USD, chủ yếu trong vài tuần gần đây, kể từ khi Tổng thống Mỹ – Donald Trump chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 1.100 hàng hóa Trung Quốc. Diễn biến này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại Bắc Kinh cố tình hạ giá NDT để tăng lợi thế thương mại và bù đắp thiệt hại kinh tế do thuế nhập khẩu mới của Mỹ. Chiến tranh thương mại vì thế có thể biến thành chiến tranh tiền tệ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc cố tình hạ giá nội tệ có thể giảm thiểu phần nào ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ, nó cũng là động thái rất nguy hiểm. Nếu nhà đầu tư ngoại cho rằng giới chức đang ghìm giá NDT và đồng tiền này sẽ còn giảm sâu, họ sẽ bắt đầu rút tiền khỏi Trung Quốc.
Trong 12 tháng, tính đến hết tháng 4, nhà đầu tư ngoại đã rót 100 tỷ USD vào trái phiếu mới phát hành Trung Quốc. Lý do rất đơn giản, đó là lãi suất. Năm qua, lãi suất trung bình trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm là 3,75%. Con số này khá cao so với 2,6% của Mỹ và 0,5% tại Đức.
Trong thời kỳ lãi suất thấp, thậm chí là âm, trái phiếu Trung Quốc là một món hời với các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, họ đổ tiền vào đây vì tin rằng các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa “giữ NDT cơ bản ổn định”. Vì thế, miễn là đồng tiền này vẫn ổn định, nhà đầu tư ngoại hoàn toàn có lý do tin tưởng vào lợi nhuận trong tương lai.
Ngược lại, nếu dự báo giá NDT giảm sâu, họ sẽ nhanh chóng rút chân, bán trái phiếu, chuyển phần tiền thu được sang USD. Việc này sẽ càng gây sức ép lên NDT. Không chỉ nhà đầu tư ngoại, người gửi tiền và các công ty Trung Quốc cũng sẽ gia nhập làn sóng này. Khi NDT yếu đi, họ sẽ cho rằng tài sản của mình an toàn hơn nếu gửi ở nước ngoài, bằng tiền tệ mạnh hơn.
Kết quả là dòng vốn rút ra có thể lớn tương đương đợt Bắc Kinh hạ giá nội tệ năm 2015. Sự việc này đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bốc hơi tới 1.000 tỷ USD. Dòng vốn lớn chạy khỏi Trung Quốc sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ thống tài chính nước này, trong bối cảnh họ đang chịu sức ép vì khối nợ tương đương 250% GDP.
Tất cả những lý do trên khiến các chuyên gia cho rằng Trung Quốc thực sự khó có thể cố tình hạ giá NDT để làm vũ khí trong xung đột thương mại với Mỹ. Vài tháng qua, NDT đúng là đã mất giá so với USD. Tuy nhiên, phần lớn mức giảm này là để bắt kịp diễn biến thị trường.