Trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin hỗ trợ như hiện nay, kết quả kinh doanh quý III được kỳ vọng sẽ là yếu tố tích cực nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đầu mùa cũng đã xuất hiện nhiều “cú sốc”.
Lợi nhuận bết bát
Mang đến sự thất vọng đầu tư cho các nhà đầu tư chính là CTCP Vicostone (mã: VCS) khi công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý III và 9 tháng năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng, Vicostone đạt 3.215 tỷ đồng doanh thu, không thay đổi bao nhiêu so với con số 3.242 tỷ đồng của cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 790 tỷ đồng, giảm 7%.
Dù những con số này không phải là quá tệ, nhưng với một doanh nghiệp (DN) luôn duy trì nhịp tăng trưởng như Vicostone đã gây thất vọng cho giới đầu tư. Hơn nữa, sự chững lại trong hoạt động kinh doanh cũng khiến giới đầu tư lo ngại về thời “hoàng kim” của Vicostone đã qua.
Cũng có những con số về kết quả kinh doanh gây thất vọng là CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã: SKG) với lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 126 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng quý III, Superdong – Kiên Giang ghi nhận doanh thu 99 tỷ đồng giảm 11%; lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh kém khả quan của Superdong – Kiên Giang đã xuất hiện từ năm 2017 do ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp, giá dầu tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới chi phí của DN.
Mới đây, CTCP Nhựa Rạng Đông (mã: RDP) cũng đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2018 với lợi nhuận giảm tới 90% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu thuần đạt 360,7 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên hầu hết các chi phí trong kỳ đều tăng mạnh “ăn mòn” lợi nhuận của Nhựa Rạng Đông.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu Nhựa Rạng Đông đạt 967,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 10,38 tỷ đồng, giảm sâu đến 68% và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng mà ĐHĐCĐ giao phó.
Đáng chú ý, CTCP Thép Việt Ý (mã: VIS) thậm chí còn báo lỗ trong quý III/2018 với con số lên tới 64,5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Việt Ý đạt gần 3.856,7 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng 130,6 tỷ đồng. Năm 2018, công ty đặt mục tiêu đạt 7.093 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 90,4 tỷ đồng. Vì vậy, chỉ còn một quý kinh doanh nữa là kết thúc năm tài chính, nên việc hoàn thành được mục tiêu kinh doanh này là khó khả thi.
Cùng với kết quả kinh doanh không có tăng trưởng, trên thị trường, cổ phiếu VCS bắt đầu bị bán mạnh từ đầu tháng 10, thị giá liên tiếp giảm sâu.
Hiện, cổ phiếu VCS đang giao dịch tại mức giá 74.000 đồng/cp, giảm hơn 47% so với mức đỉnh 140.000 đồng/cp được thiết lập hồi tháng 4..
Vội vàng bán tháo?
Trước đó, ngày 9/10, ban lãnh đạo Vicostone phải “cứu giá” cổ phiếu bằng cách thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ nhưng điều này không đủ giúp VCS ngừng rơi.
Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày 18/10, cổ phiếu VCS còn giảm sàn “trắng bên mua” về mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2017 là 71.500 đồng/cp. Tính từ đầu tháng 10 tới nay, vốn hóa thị trường của VCS đã “bốc hơi” gần 4.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi kết quả kinh doanh không mấy khả quan được công bố, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SKG đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp, tương đương 19,3% về mức giá 17.300 đồng/ cp. Nếu tính chung từ đầu tháng 10 tới nay, SKG đã giảm 28% từ mức giá 24.000 đồng/cp.
Cổ phiếu VIS cũng đã có một phiên giao dịch giảm sâu ngay trong ngày công bố kết quả kinh doanh (19/10) về mức 27.300 đồng/cp, tương đương giảm 2,5% so với phiên trước đó.
Một cái tên khác cũng gây bất ngờ không kém trong giới đầu tư là cổ phiếu CAP của CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Trước đó, 6 tháng đầu năm 2018, DN này có đà bứt phá ngoạn mục với doanh thu và lợi nhuận tăng gần 4 lần so với cùng kỳ, EPS đạt 6.159 đồng, đã đưa cổ phiếu CAP tăng một mạch từ vùng giá 32.000 đồng/cp lên gần 50.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý III chỉ vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 72% so với cùng kỳ, cổ phiếu CAP đã rơi mạnh từ vùng giá 45.000 đồng/ cp xuống 38.000 đồng/ cp trước đà bán tháo của các nhà đầu tư chỉ trong 2 phiên giao dịch.
Tuy không giảm sâu như CAP hay các cổ phiếu nói trên, nhưng với kết quả kinh doanh quý III đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng kỳ, cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng chứng kiến 2 phiên giảm liên tiếp với tổng mức giảm đạt gần 4%.
Thực tế, “sóng” kết quả kinh doanh luôn mang lại cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận kha khá trong ngắn hạn, nhưng cũng có không ít cổ phiếu khiến tài khoản của nhà đầu tư “bốc hơi” nhanh chóng do công bố những con số đáng thất vọng.
Tuy nhiên, báo lãi chưa hẳn đã là tốt, bởi để biết chắc chắn DN có lãi thật hay không vẫn cần chờ BCTC kiểm toán. Không ít DN khiến cổ đông ngã ngửa khi có sự chênh lệch từ lãi chuyển sang lỗ khi BCTC kiểm toán được công bố.
Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường chứng khoán đã đi được 3/4 chặng đường của năm 2018, nên kết quả kinh doanh quý III rất quan trọng, dư âm của hiệu ứng này sẽ kéo dài sang tháng 11.
Vì vậy, các nhà đầu tư cần tỉnh táo trong chiến lược đầu tư, nhằm tránh được những “cú sốc” không đáng có.