Tuy nhiên, cập nhật số dư tiền gửi của NĐT tại các CTCK cho thấy, dòng tiền vẫn tương đối khả quan, với hơn 4.200 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính bán niên soát xét của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), số dư tiền gửi của NĐT tại thời điểm 30/6/2011 là 733,547 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn gần 26% so với cuối năm 2010 là 990,065 tỷ đồng. Tại CTCK VNDirect (VND), số dư tiền gửi của NĐT cùng thời điểm trên là 437,479 tỷ đồng, giảm 30% so với cuối năm 2010 là 625,701 tỷ đồng. Tại một số CTCK khác như: Agriseco, FPTS, BVSC…, mức sụt giảm trên số dư tiền gửi của NĐT trong 6 tháng đầu năm từ 10 – 30%. Tuy nhiên, kể từ đầu quý II tới nay, dòng tiền sẵn sàng trên TTCK lại thay đổi không đáng kể.
Theo một thống kê của UBCK, tại thời điểm 30/4/2011, số dư trên tài khoản tiền gửi của NĐT tại các CTCK là xấp xỉ 4.300 tỷ đồng, đến ngày 30/7 chỉ giảm nhẹ về 4.200 tỷ đồng. Con số 4.200 tỷ đồng có thể khiêm tốn so với các giai đoạn bùng nổ của thị trường như các năm 2005, 2006 hay 2009. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh lãi suất cao, thanh khoản thị trường chưa được cải thiện như hiện nay, thì đây thực sự là một tín hiệu tích cực.
Một điều đáng chú ý hơn là số dư tiền gửi này không bao gồm số dư tiền gửi của các quỹ đầu tư (do không lưu ký tại CTCK, mà thông qua các ngân hàng lưu ký), không bao gồm tiền mặt và tương đương tiền của chính các CTCK. Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2010 đến nay, nhiều CTCK cũng ưu tiên giữ tiền mặt, trong đó có thể kể đến như Kim Long, VNDirect, FPT… Tổng số dư này, theo tổng hợp sơ bộ từ thị trường, khoảng 6.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng hợp toàn thị trường, cung tiềm năng ở mức sẵn sàng hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các dòng tiền đầu cơ.
Anh Nguyễn Quang Đạt, NĐT tại CTCK Thăng Long chia sẻ, anh không có thói quen để tiền tại CTCK. “Tôi mở tài khoản tiền gửi tại Habubank. Ở đây, lãi suất không kỳ hạn cũng lên tới 14% và khi cần giao dịch, tôi chỉ cần làm động tác đơn giản là rút và nộp tiền, vừa không mất cơ hội đầu tư mà vẫn được hưởng lãi suất cao”, anh Đạt nói.
Trong khi đó, những NĐT lớn thuộc dạng khách VIP của CTCK thì lại chọn cách khác: gửi tiền theo tuần và nộp tiền giao dịch chứng khoán ngày T+2. Theo đó, những vị khách này chỉ để tiền trong tài khoản giao dịch chứng khoán mang tính chất tượng trưng, còn lại, họ đem gửi ngân hàng và rút tiền nộp mua chứng khoán ngày T+2.
Nhận xét về con số 4.200 tỷ đồng nêu trên, các môi giới chứng khoán cho rằng, những người vẫn để tiền ở tài khoản giao dịch chứng khoán là NĐT quy mô nhỏ và vừa, những người bám sàn trong mọi hoàn cảnh. Họ “chung thủy” với TTCK, không phải là những tay chơi kiểu đánh quả lẻ, kiếm lời và rút lui. 4.200 tỷ đồng số dư tiền gửi chỉ mang ý nghĩa thời điểm, có thể bị thay đổi (nhiều hơn hoặc ít hơn) tại các CTCK và cũng chưa phản ánh hết dòng tiền thực tế sẵn sàng chờ đợi cơ hội đầu tư vào TTCK, nhưng với thị trường như hiện tại, nó đủ sức để hỗ trợ liên tục 5 phiên giao dịch của thị trường (chưa tính tác động quay vòng các dòng tiền của NĐT). Đây là tín hiệu tích cực cho TTCK.
Những ngày gần đây, điều giới đầu tư băn khoăn và hồi hộp nhất là gói giải pháp giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ như thế nào. Có ý kiến cho rằng, quan điểm lãi suất thực âm nếu thành hiện thực có thể khiến dòng tiền chảy từ kênh tiết kiệm sang TTCK mạnh hơn.
Anh Hưng, NĐT tại CTCK Sacombank cho biết, trong tuần qua, anh đã nộp thêm tiền vào tài khoản và bắt đầu mua dần chứng khoán do tin tưởng vào chính sách điều hành tiền tệ của tân Thống đốc NHNN. Vẫn còn không ít nghi ngại do chưa nhìn thấy “hình dáng” của gói giải pháp giảm lãi suất, nhưng bản thân những phát ngôn mạnh mẽ của tân Thống đốc NHNN cũng đã là một liều thuốc giúp trấn an NĐT.
Theo các chuyên gia, những người muốn ra khỏi TTCK, đến thời điểm này cũng đã ra đi. Dòng tiền chảy ròng ra khỏi TTCK là có thực, nhưng điểm tích cực là vẫn còn lượng tiền không nhỏ của NĐT cá nhân ở lại thị trường. Điểm tích hơn mà chính các CTCK cảm nhận được, đó là sự “thay máu” NĐT, khi có thêm những NĐT mới đến tìm hiểu cơ hội từ TTCK. Giao dịch sôi động của thị trường vàng những ngày vừa qua cho thấy, nguồn tiền đầu tư không thiếu, quan trọng là khi nào chứng khoán có cơ hội cho đồng tiền sinh lời.