Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào cuối ngày thứ Tư, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản như dự báo từ 1,75%/năm lên 2%/năm. Ngoài ra, cơ quan này còn cho biết từ bỏ cam kết giữ lãi suất thấp đủ để kích thích kinh tế “trong một thời gian”, trong đó báo hiệu sẽ tăng thêm lãi suất 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần nữa trong năm 2019.
Quyết định trên của Fed đã khiến giới đầu tư nhanh tay bán ra, đẩy các chỉ số chính của phố Wall giảm điểm sau khi giằng co, lình xình trong suốt phiên để nghe ngóng kết quả.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu tài chính vốn được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất, nhưng trong phiên giao dịch thứ Tư vẫn đóng cửa giảm điểm. Nhiều nhà phân tích cho biết, nhóm cổ phiếu này có độ trễ nhất định với quyết định chính sách của Fed.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số Dow Jones giảm 119,53 điểm (-0,47%), xuống 25.201,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,22 điểm (-0,40%), xuống 2.775,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 8,09 điểm (-0,11%), xuống 7.695,70 điểm.
Trong khi đó, chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, chứng khoán châu Âu chỉ lình xình quanh tham chiếu và đóng cửa gần như không thay đổi, ngoại trừ chứng khoán Đức hồi phục tốt nhờ sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh tích cực của một số tập đoàn.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,10 điểm (-0,00%), xuống 7.703,71 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 48,28 điểm (+0,38%), lên 12.890,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,64 điểm (-0,01%), xuống 5.451,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phản ứng tích cực với kết quả cuộc đàm phán Mỹ – Triều, giới đầu tư bắt đầu tỏ ra thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ với thanh khoản thấp, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ đà lao dốc của cổ p hiếu Tập đoàn ZTE sau khi các quỹ tiếp tục hạ dự báo mức giá cổ phiếu này. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang trở lại khi Mỹ cho biết, sẽ đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 88,03 điểm (+0,38%), lên 22.966,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 377,91 điểm (-1,22%), xuống 30,725,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 30,01 điểm (-0,97%), xuống 3.049,80 điểm.
Sau khi lình xình trong phiên châu Á và châu Âu để chờ đợi kết quả cuộc họp của Mỹ, giá vàng đã tăng mạnh khi bước vào phiên Mỹ khi đồng USD giảm mạnh, sau đó giá kim loại quý bất ngờ lao mạnh khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng, USD hồi phục. Dù vậy, cũng rất nhanh chóng, giá vàng đã bật trở lại và đóng cửa với mức tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 13/6, giá vàng giao ngay tăng 3,6 USD (+0,28%), lên 1.298,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,9 USD (+0,15%), lên 1.301,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ của Mỹ tuần trước giảm 4,1 triệu thùng, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 2,7 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, ước tính nhu cầu xăng của Mỹ lại đạt mức kỷ lục 9,9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, cũng theo số liệu của EIA, sản lượng của Mỹ tuần trước đã tăng lên 10,9 triệu thùng/ngày, nhưng thị trường đã có thể hấp thụ tốt sự gia tăng, cho thấy nhu cầu rất mạnh.
Kết thúc phiên 13/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,28 USD (+0,42%), lên 66,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,86 USD (+1,12%), lên 76,74 USD/thùng.