Bàn về lý do thị trường rơi sâu trong hai phiên đầu tuần này, một nhân viên môi giới cho rằng, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cuối tuần trước đã gây ra tâm lý lo ngại dòng vốn ngoại sẽ rút dần ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn.
Theo Bloomberg, các quỹ nước ngoài đang rút ra khỏi 6 thị trường chứng khoán mới nổi lớn ở châu Á ở tốc độ chưa từng thấy tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong năm nay, nhà đầu tư ngoại đã rút khoảng 19 tỷ USD khỏi Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Việc khối ngoại liên tục bán ròng trong vài tháng qua đã tác động khá tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, mặc dù nhiều chuyên gia phân tích đánh giá cao các yếu tố ổn định và tiềm năng tăng trưởng của kinh tế châu Á.
Trong khi đó, theo anh H.L – một nhà đầu tư lâu năm, tâm lý thị trường đang chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Cuộc chiến thương mại này leo thang từ Thứ Sáu tuần trước, khi Phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố khoản thuế 25% nhằm vào 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá 34 tỷ USD.
Ngoài ra, lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác của Trung Quốc cũng bị xem xét đánh thuế và có thể sớm được công khai. Ngay sau đó, Trung Quốc đã đáp trả với tuyên bố từ 6/7/2018, nước này sẽ đánh thuế 25% trên một số hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Mỹ, 16 tỷ USD còn lại đang trong vòng xem xét.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây ra lo ngại lớn rằng không chỉ hai bên sẽ thiệt hại lớn, mà sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Đà giảm điểm của chỉ số chứng khoán trong nước cũng bắt đầu từ giữa tháng 4 tới nay, thời điểm những căng thẳng về chính sách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc phát sinh, trong khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực, các doanh nghiệp trong nước dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Theo anh H.L, diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước cũng tương đồng với các thị trường chứng khoán châu Á sau khi thông tin về chiến tranh thương mại được tung ra.
Riêng trong phiên 19/6, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm thị trường Nhật Bản) giảm 1,5% xuống mức thấp nhất tính từ đầu tháng 2/2018; chỉ số Shanghai Composite giảm gần 5% xuống mức thấp nhất tính từ giữa năm 2016; chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm 3%, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,8%; chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,3%…
Mức giảm sâu này ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư trong nước, biểu hiện rõ ngay từ lực bán mạnh ngay từ đầu phiên.
Nhà đầu tư Hoài Anh ở sàn SHS thì cho rằng, thị trường đang quá bán. Bởi thực tế khối ngoại không bán ròng mạnh trong phiên 19/6 (chỉ bán ròng 100 tỷ đồng), đồng thời lực cầu bắt đáy cũng tích cực trong phiên này, giúp thanh khoản hai sàn đạt trên 7.000 tỷ đồng. Do đó, thị trường có thể sẽ hồi phục kỹ thuật, đặc biệt sau khi có nhịp bật lại cuối phiên.
Một số nhà đầu tư cho biết họ đã tranh thủ đợt giảm để gom thêm những cổ phiếu đang nằm ở mức giá thấp hơn giá trị kỳ vọng. Thực tế thị trường phiên 20/6 cho thấy, nhờ lực cầu bắt đáy mạnh, chỉ số VN-Index đã hồi phục gần 20 điểm.
Các thị trường chứng khoán trong khu vực cũng diễn biến cùng chiều với thị trường chứng khoán trong nước, khi ngày 20/6 hồi phục đáng kể. Ngoại trừ thị trường Trung Quốc vẫn đang giảm (tuy nhiên đà giảm đã được kìm lại so với các phiên trước) thì nhà đầu tư đã thấy được sắc xanh từ Nikkei, Shanghai, Kospi…
Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự mạnh tay giải ngân bởi chưa hết e ngại những ảnh hưởng từ bên ngoài. Bằng chứng là trong phiên 20/6, thanh khoản thị trường chỉ đạt trên 3.000 tỷ đồng, mức rất thấp so với giai đoạn trước (trên 10.000 tỷ đồng).
Trong khi xu hướng hồi phục của thị trường chưa rõ ràng, nhà đầu tư dù theo trường phái đầu tư giá trị hay lướt sóng cũng cần đặc biệt thận trọng với những quyết định mua bán trong giai đoạn điều chỉnh này.