Bằng mọi phương pháp phân tích truyền thống, thị trường chứng khoán Nhật Bản đáng lẽ phải tăng trưởng mạnh. Định giá cổ phiếu ở mức thấp, lợi nhuận doanh nghiệp tăng, lợi tức đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Đó là chưa kể thị trường nhận được trợ lực từ chính sách nới lỏng chưa từng có của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, nền kinh tế đang trong đà leo dốc dài nhất trong hàng thập kỷ.
Như vậy, về lô gic, không có lý nào thị trường chứng khoán lại không đi lên.
Thế nhưng, mọi suy luận kể trên đều sai. Chỉ số Topix đang đi xuống, khiến Nhật Bản trở thành thị trường chứng khoán phát triển tại châu Á có màn biểu diễn tệ nhất năm nay.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản có màn biểu diễn tệ nhất trong số các thị trường phát triển tại châu Á
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu bởi đồng nội tệ của Nhật Bản đang trở thành tài sản đảm bảo cho mọi tin tức không lấy làm tích cực trên toàn cầu. Nguyên nhân thứ hai là triển vọng không mấy tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tại quốc gia này.
Trong bối cảnh này, giới đầu tư Nhật dường như khó tìm được biện pháp nào để đối phó với diễn biến không thuận chiều của thị trường, bởi thị trường đang bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài.
Trong năm 2018, đồng Yên đã tăng giá rõ rệt trong 2 giai đoạn và cả 2 đều không có liên quan gì tới yếu tố nội tại. Lần thứ nhất là khi đồng USD rớt giá mạnh vào tháng 1 và lần thứ hai là khi thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến đợt bán tháo vào tháng 2.
“Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang rung lắc bởi lực đẩy từ các yếu tố bên ngoài”, Hiroshi Matsumoto, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Pictet Asset Management Ltd cho biết.
Bổ sung cho nhận định này, Jonathan Allum, chiến lược gia tại SMBC Nikko Capital Markets Ltd cho biết, trong giai đoạn những năm 1980 cho tới gần hết những năm 1990, thị trường chứng khoán Nhật Bản chủ yếu biến động theo các yếu tố nội tại. Nhưng kể từ năm 1998, chứng khoán Nhật Bản được dẫn dắt bởi các ảnh hưởng từ bên ngoài và từ năm 2005 tới nay, mối liên kết giữa chứng khoán và đồng yên ngày càng trở nên chặt chẽ và “đáng bực tức”.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư không biết làm gì khác ngoài giữ gìn suy nghĩ lạc quan. Matsumoto cho biết, biện pháp của ông là tính toán những gì có thể và chấp nhận, thậm chí phớt lờ những yếu tố không thể dự đoán. Ông vẫn tin tưởng rằng thị trường chứng khoán vẫn phản ánh lợi nhuận, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp trong dài hạn.