Kết thúc ngày giao dịch 28/6, cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 chấm dứt mạch tăng trần liên tiếp từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Dù vậy, YEG vẫn ngày càng nới rộng khoảng cách so với tham chiếu chào sàn 250.000 đồng và những cổ phiếu “vua” như Sabeco, Vinacafe Biên Hoà, Vinamilk… khi đóng cửa tại 343.000 đồng.
Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, những bình luận trái chiều về YEG không ngừng tăng lên. Phần lớn nhà đầu tư cho rằng thị giá cổ phiếu của một công ty mới thành lập hơn chục năm và hoạt động trong lĩnh vực khác biệt so với những doanh nghiệp niêm yết trước đó là “siêu đắt”, “không thể tưởng tượng nổi”…
Điều này có thể dễ hiểu bởi nếu so sánh với mức giá công ty phát hành cho nhà đầu tư chiến lược và cán bộ nhân viên để tăng vốn vào tháng 2 và tháng 4/2018 thì giá hiện tại gấp khoảng 6-30 lần.
Ông Nam – nhà đầu tư tham gia thị trường từ trước giai đoạn khủng hoảng 2008 nhận định, đà tăng của YEG có thể còn kéo dài trong ngắn hoặc trung hạn khi “hàng” còn trong tay những cổ đông hiện hữu, cụ thể là ban lãnh đạo Yeah1 và một số quỹ ngoại. Tuy nhiên, về lâu dài có thể xuất hiện nhiều yếu tố khiến cổ phiếu này điều chỉnh mạnh như thị trường biến động theo khuynh hướng tiêu cực, kết quả kinh doanh không tăng trưởng như hứa hẹn…
“Hoạt động kinh doanh đặc thù, chưa có tham chiếu cụ thể để so sánh nên YEG như một con chuột bạch cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi dự đoán cổ phiếu này có thể đạt và giằng co tại mốc 500.000 đồng, nhưng chắc chắn sau đó sẽ đổ dốc về mức hợp lý không quá 100.000 đồng”, ông Nam nói và đánh giá việc rót tiền trong bối cảnh thị trường chênh cao là một ván cược quá mạo hiểm.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng, đầu tư vào YEG lúc này như “dùng tiền mua niềm tin” bởi phương pháp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc định giá cổ phiếu này là chiết khấu dòng tiền tương lai. Trong khi đó, sản phẩm của công ty lại mang giá trị vô hình nên nhiều khả năng dòng tiền này không tính được chính xác.
Bên cạnh đó, hoạt động chính của Yeah1 suốt nhiều năm qua là xây dựng hệ sinh thái truyền thông và quảng cáo khép kín trên nhiều nền tảng kỹ thuật số như website, Facebook, công cụ quảng cáo Google… Điều này tiềm ẩn rủi ro là nguồn thu đang và sẽ phụ thuộc không nhỏ vào doanh nghiệp khác.
“Ban lãnh đạo công ty từng nói nếu Facebook và Google rút khỏi Việt Nam thì doanh thu trong nước sẽ giảm 20%, nhưng tôi nghĩ thực tế có thể nhiều hơn”, ông Khánh nói và cho biết thêm nếu căn cứ giá đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, hệ số giá trên thu nhập (P/E) của cổ phiếu này hơn 100 lần, gấp khoảng 10 lần trung bình của thị trường và 3 lần so với doanh nghiệp đứng liền kề phía sau. Đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm theo dõi thị trường, chuyên gia này gặp trường hợp cổ phiếu có biên độ dao động giá trần và sàn trong phiên lên đến 100.000 đồng.
Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM lo ngại, YEG bị định giá quá cao có thể tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp cùng ngành niêm yết sau này. Theo ông, Việt Nam có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và giải trí tiềm lực tài chính mạnh hơn Yeah1 nên nếu chọn doanh nghiệp này làm tham chiếu thì cổ phiếu có thể lên đến cả triệu đồng.
Trao đổi với VnExpress trước lập luận thổi giá cổ phiếu YEG, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) – đơn vị tư vấn cho Yeah1 cho biết vì chưa có đơn vị hoạt động tương đồng niêm yết nên phải “cân đo đong đếm” bằng ba phương pháp định giá là chiết khấu dòng tiền, P/E và P/B trên cơ sở so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…
Tổng hợp kết quả các phương pháp này với tỷ trọng lần lượt là 60% – 20% – 20%, HSC xác định giá bình quân 250.445 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên, để tăng thanh khoản cổ phiếu và thể hiện quan điểm thận trọng trước những biến động của thị trường chứng khoán nên giá tham chiếu được làm tròn ở mức thấp hơn.
“Trường hợp Yeah1 có thể nâng tỷ trọng định giá bằng chiết khấu dòng tiền lên đến 100%, khi đó giá chào sàn xấp xỉ 299.000 đồng. Tuy nhiên, lịch sử niêm yết chứng khoán trong nước chưa có tiền lệ này nên chúng tôi vẫn xem xét hai phương pháp phổ biến còn lại”, chuyên gia này nói.
Bà Bùi Thị Thùy Dương thuộc Phòng phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng sẽ khập khiễng nếu so sánh khởi điểm cổ phiếu YEG với các doanh nghiệp trên thị trường do đặc thù hoạt động mỗi ngành rất khác nhau.
Với mức giá cao nhất thị trường, bà Dương nhận định thanh khoản cổ phiếu YEG khó có thể sôi động bởi đây là cuộc chơi lớn, không dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này được chứng minh qua ba phiên giao dịch đầu tiên trên sàn khi khối lượng khớp lệnh chỉ vài chục nghìn đơn vị. Trong khi đó, giao dịch thoả thuận ngày 27/5 cho thấy khối ngoại mua ròng lên đến 7,72 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.300 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT công ty cho rằng, cổ phiếu YEG không rẻ và khá giống một trò chơi may rủi. Điểm “bấu víu” an toàn của cổ phiếu cũng như doanh nghiệp này là dư địa tăng trưởng của ngành còn rất lớn.
“Cổ phiếu của chúng tôi không phù hợp để lướt sóng. Nhà đầu tư có thể cắt 5% giá trị danh mục để rót vào YEG và khoá lại. Hai trường hợp có thể xảy ra sau đó khoảng 6 tháng đến một năm là mất 5% hoặc lãi 30-40%”, người đứng đầu doanh nghiệp này nói.
Tại phiên họp đại hội cổ đông 2018, ông Tống cho biết sẽ mua vào 3,91 triệu cổ phiếu YEG với giá 300.000 đồng mỗi đơn vị thông qua phát hành riêng lẻ nhằm tài trợ vốn cho kế hoạch kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi là vì sao lãnh đạo công ty chấp nhận gom thêm cổ phiếu với giá gấp 30 lần các cổ đông hiện hữu đã mua trong lần phát hành tăng vốn mới nhất, trong khi bản cáo bạch niêm yết cho thấy từ ngày 24/4 đến 24/5, ông Tống đã thoái 2,4 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu từ 41,4% xuống còn 27,14%.