Dược phẩm xưa nay vốn là lĩnh vực nhạy cảm nên các nhà đầu tư ngoại cũng như doanh nghiệp trong nước đều ngần ngại trong việc đầu tư, hợp tác. Tuy nhiên, gần đây nhiều đơn vị trong ngành đã dần được nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% nên các nhà đầu tư ngoại sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu cổ phần.
Đến nay, Domesco và Dược Hậu Giang là hai đơn vị đầu tiên mở room ngoại lên 100%, trong khi Domesco đã bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm thì cổ đông Nhật Bản mới nắm giữ 24,94% cổ phần của Dược Hậu Giang. Traphaco tuy chưa có kế hoạch nới room nhưng cũng vừa đón nhà đầu tư ngoại là tập đoàn đến từ Hàn Quốc.
Taisho dòm ngó Dược Hậu Giang
CTCP Chế tạo thuốc Taisho (doanh nghiệp Nhật) đặt chân vào CTCP Dược Hậu Giang cách đây hơn 2 năm khi nhận chuyển nhượng 21,3 triệu cp từ 34 cổ đông ngoại, ứng với 24,44% vốn. Tại thời điểm chuyển nhượng giá cổ phiếu DHG trên thị trường đạt mức trên 100.000 đồng/cp nên số tiền Taisho chi ra để sở hữu 24,44% vốn Dược Hậu Giang là hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau 2 năm đầu tư vào Dược Hậu Giang, cũng cùng thời điểm công ty chính thức được nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì Taisho bắt đầu công cuộc tăng tỷ lệ sở hữu. Taisho bày tỏ mong muốn mua được cổ phiếu DHG khi đưa ra mức giá chào mua cao hơn thị trường khá nhiều.
Cụ thể, lần gần đây nhất mua 650.000 cp DHG để nâng sở hữu từ 24,44% lên 24,94%, mức giá Taisho đưa ra là khoảng 122.150 đồng/cp trong khi thị giá DHG trong bối cảnh xấu chung của cả thị trường chỉ dao động quanh 100.000 đồng/cp.
Khi DHG vừa chính thức được mở room ngoại, Taisho đã công bố đề nghị chào mua hơn 9,23 triệu cp Dược Hậu Giang với giá dự kiến 120.000 đồng/cp. HĐQT của DHG cũng vừa thông qua đề nghị này của Taisho. Nếu giao dịch thành công, doanh nghiệp Nhật này sẽ nâng sở hữu Dược Hậu Giang từ 24,94% lên 32%.
Hiện nay, cổ đông lớn nhất của DHG là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước nắm 43,31%. Trả lời cổ đông vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo DHG cho biết SCIC theo xu hướng chung sẽ xem xét việc thoái vốn nhưng trong ngắn hạn 2-3 năm thì chưa có kế hoạch.
Cũng tại kỳ họp này, với tư cách là cổ đông lớn nhất, SCIC cho biết ủng hộ Taisho nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG nhưng không ủng hộ thâu tóm. Sản phẩm và thương hiệu của DHG vẫn thuộc sở hữu của công ty. Vì vậy, trong các thỏa thuận cổ đông, tỷ lệ thông qua các quyết định quan trọng tại ĐHĐCĐ vẫn giữ mức biểu quyết 65% trở lên.
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, tư duy đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản vốn rất thận trọng. Taisho đã đầu tư vào DHG hai năm qua, cử người vào HĐQT, do vậy, quyết định rót vốn đầu tư thêm với mức giá cao hơn thị trường hiện tại cho thấy Taisho chắc chắn không muốn chỉ dừng lại ở tỷ lệ sở hữu 32%. Tương lai, SCIC sẽ thoái vốn và cửa cho nhà đầu tư ngoại tại DHG đã mở là yếu tố ủng hộ cho kế hoạch thâu tóm của Taisho.
Traphaco đón đại gia dược Hàn Quốc
Năm 2017 là năm có biến động lớn trong cơ cấu cổ đông CTCP Traphaco (HOSE: TRA). Cụ thể, Vietnam Azalea Fund Limited (quỹ thuộc Mekong Capital) và Vietnam Holding Ltd. thoái lần lượt gần 25% và 10,43% vốn Traphaco. Mức giá mà hai quỹ đầu tư này thoái khá cao lên đến 141.500 đồng/cp, ứng với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Thay vào đó, cơ cấu cổ đông Traphaco xuất hiện hai cổ đông lớn mới là Magbi Fund Limited (Hong Kong) nắm 24,99% vốn và Super Delta Pte. Ltd (Singapore) nắm 15,12% vốn.
Sau 6 tháng xuất hiện cổ đông mới, ngày 5/7 vừa qua, Traphaco đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS. Theo đó, Magbi Fund Limited đề cử ông Lee ChoongHwan và Super Delta Pte.,Ltd đề cử ông Kim Dong Hyu vào HĐQT. Về BKS, Super Delta đề cử bà Trần Thị Ly.
Theo thông tin lý lịch, ông Lee Choonghwan là Trưởng phòng quản lý quỹ của Mirae Asset Capital cũng là Giám đốc của Magbi Fund. Ông Kim Dong Hyu là Trưởng đại diện của Tập đoàn dược phẩm Daewoong – Văn phòng Việt Nam và bà Trần Thị Ly là Giám đốc nhân sự của Daewoong – Văn phòng đại diện tại TPHCM.
Daewoong là tập đoàn dược phẩm có doanh số bán thuốc theo toa lớn nhất tại Hàn Quốc, được thành lập năm 1945. Tập đoàn có tầm nhìn lọt tốp 50 công ty chăm sóc sức khỏe hàng đầu toàn cầu vào 2020.
Traphaco cho biết đã tổ chức các buổi gặp gỡ với nhóm cổ đông mới và thống nhất các định hướng hợp tác chiến lược phát triển bền vững của Traphaco cùng quyền lợi của cổ đông khác cũng như người lao động.
Tính đến hiện nay, Traphaco chưa có kế hoạch nới room ngoại lên 100% và SCIC còn sở hữu 37,53% vốn. Cơ cấu cổ đông Traphaco tính đến cuối năm 2017 có 48,94% là nhà đầu tư nước ngoài gồm 48,82% tổ chức và 0,12% cá nhân.
Nhắc lại rằng, CFR International SPA – công ty con của Abbott (tập đoàn dược phẩm hàng đầu Hoa Kỳ) đã phải mất 5 năm để thâu tóm được CTCP XNK Y tế Domesco (HOSE: DMC). CFR International SPA đầu tư vào DMC kể từ năm 2011 với vai trò cổ đông chiến lược và phải đến khi DMC chính thức mở room ngoại 100% tổ chức này mới nâng được tỷ lệ sở hữu lên 51,69%, đủ sức chi phối như hiện nay. Cuối năm 2017, CFR International SPA đã chuyển nhượng toàn bộ 51,69% vốn DMC về tay công ty mẹ Abbott do giải thể.
Tính đến nay, SCIC vẫn còn sở hữu 34,7% vốn Domesco. Cổ đông Nhà nước này có kế hoạch thoái vốn khỏi DMC vào cuối năm 2017 cùng với BMP, FPT, NTP. Tuy nhiên, đến nay SCIC mới thoái được vốn khỏi BMP mà các đơn vị còn lại chưa có thông tin thêm.