Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam trong tháng 8 này không cao, nhưng cho thấy có một sự gia tăng đột biến về lượt dự án nhà đầu tư ngoại đầu tư thông qua hình thức góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, trong tháng 8 này cả nước chỉ thu hút thêm hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại (gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), chỉ bằng hơn phân nửa tổng nguồn vốn này cam kết so với tháng trước đó.
Mặc dù vậy, theo cơ quan xúc tiến đầu tư, trong tháng 8 này, lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư qua hình thức góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước lại tăng cao đột biến và được xem là tháng có số dự án đầu tư qua hình thức này nhiều nhất của nhà đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm nay.
Bởi lẽ, trong 7 tháng trước đó, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước chỉ ở mức 476 dự án; trong khi trong tháng 8 này có đến 1.200 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 490 triệu đô la.
Trong khi đó, cùng thời gian này, cả nước chỉ có 262 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 280 triệu đô la và 109 dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn đầu tư đạt khoảng 630 triệu đô la.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 20-8 rồi, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,48 tỉ đô la, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017; có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỉ đô la, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, cùng thời gian này, cả nước có đến 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỉ đô la, tăng 50,9% so với cùng kỳ ngoái.
Tính chung trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỉ đô la, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tốc độ tăng trưởng của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang được đánh giá khá tốt. Số thương vụ có giá trị cao cũng ngày một nhiều hơn và Việt Nam được cho là có tiềm năng ngày càng lớn cho các hoạt động M&A đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam trong 10 năm đã đạt mức ấn tượng với 48,8 tỉ đô la và đạt mức kỷ lục 10,2 tỉ đô la trong năm 2017.
Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, theo ghi nhận của KPMG, M&A của thị trường Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 17%/năm. Đáng chú ý trong năm 2017, thị trường chứng kiến thương vụ rất tốt với nhà đầu tư vào Sabeco.
Đây là thương vụ cho thấy điểm đột phá của M&A Việt Nam và các quốc gia tham gia đầu tư vào Việt Nam mạnh mẽ từ Nhật, Singapore, Mỹ… cũng như nhiều nước khác. Ông nhận định xu hướng đầu tư thông qua hình thức M&A của các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam vẫn đang không ngừng gia tăng. Theo Chủ tịch KPMG, trong nhiều năm tới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có lực hút M&A trong rất nhiều lĩnh vực.