Thở phào với cuộc đàm phán Mỹ – Triều, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ hướng tới cuộc họp của Fed diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư này, nên các chỉ số chính của phố Wall giằng co trong phiên thứ Ba.
Trong đó, Dow Jones đóng cửa gần như không đổi, còn S&P 500 và Nasdaq lại có được sắc xanh, nhất là Nasdaq tăng mạnh trong phiên nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Dow Jones giảm 1,58 điểm (-0,01%), xuống 25.320,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,85 điểm (+0,17%), lên 2.786,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 43,87 điểm (+0,57%), lên 7.703,79 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ do nhóm cổ phiếu hàng hóa, năng lượng và khai khoáng giảm mạnh do ảnh hưởng từ đà giảm của giá dầu thô. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang thận trọng đợi các cuộc họp của Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,62 điểm (-0,43%), xuống 7.703,81 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 0,61 điểm (-0,01%), xuống 12.842,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 20,54 điểm (-0,38%), xuống 5.453,37 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đồng loạt tăng điểm khi giới đầu tư lạc quan về triển vọng cuộc đàm phán Mỹ – Triều, nhưng mức tăng không quá mạnh khi giới đầu tư đang tiếp tục theo dõi các cuộc họp quan trọng khác của các ngân hàng trung ương như Fed, ECB, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 74,31 điểm (+0,33%), lên 22.878,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 39,36 điểm (+0,13%), lên 31.103,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,02 điểm (+0,89), lên 3.079,80 điểm.
Việc Mỹ – Triều kết thúc đàm phán với kết quả tích cực, cùng với việc đồng USD tăng giá sau dữ liệu vừa công bố cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 5 bất chấp giá xăng, dầu giảm đã khiến giá vàng quay đầu giảm trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 12/6, giá vàng giao ngay giảm 4,8 USD (-0,37%), xuống 1.295,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,8 USD (-0,29%), xuống 1.299,4 USD/ounce.
Giá dầu thô có sự trái chiều trong phiên thứ Ba khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục có phiên tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent lại giảm khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của OPEC với khả năng tổ chức này sẽ nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 12/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,26 USD (+0,39%), lên 66,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,76%), xuống 75,88 USD/thùng.