Đích nhắm mới
Không đơn thuần “theo chân” các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, các ngân hàng, công ty tài chínhHàn Quốc đã nhìn thấy miếng bánh lớn hơn ở thị trường Việt Nam: tài chính tiêu dùng, đặc biệt là thị trường cho vay qua thẻ. Một động thái khá rõ là gần đây, liên tiếp các công ty phát hành thẻ của xứ kim chi đổ vốn mua lại các công ty tài chính trong nước. Cụ thể, Công ty Thẻ Shinhan Card chi khoảng 3.420 tỷ đồng mua Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance; Công ty Thẻ Lotte Card chi 1.734 tỷ đồng mua 100% vốn Công ty Tài chính Techcombank.
Các ngân hàng đến từ Hàn Quốc cũng cấp tập đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt là Shinhan Bank. Sau khi rót vốn mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, ngân hàng này đang nuôi ý định lọt vào top 3 ngân hàng tại Việt Nam về lĩnh vực thẻ tín dụng.
Ông Shin Dong Min, Tổng giám đốc Shinhan Bank tại Việt Nam cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm vay tiện ích, đầu tư công nghệ cho ngân hàng số và mở rộng các chương trình ưu đãi dành cho thẻ tín dụng”.
Với sự “tấn công” của hàng loạt ngân hàng, công ty thẻ đến từ Hàn Quốc, sẽ không ngạc nhiên nếu thời gian tới, nhiều người tiêu dùng Việt Nam sở hữu một chiếc thẻ tín dụng mang thương hiệu Hàn Quốc. Các ngân hàng, công ty Hàn Quốc đã có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Hiện Việt Nam có 127 triệu thẻ ngân hàng, song số thẻ tín dụng còn rất thấp, chỉ mới chiếm khoảng 4-5%. Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự tăng trưởng của xu hướng chi tiêu qua thẻ tín dụng, đây chính là mảnh đất tiềm năng được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhắm tới.
Sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc khiến thị trường thẻ tín dụng Việt Nam được hâm nóng từng ngày. Nhiều công ty tài chính trước đây chỉ tập trung cho vay tiêu dùng, cho vay tiền mặt như Home Credit, FE Credit…, nay cũng “đua” phát hành thẻ tín dụng và coi đây là lĩnh vực trọng điểm cần tập trung cạnh tranh trong năm nay.
Chiến lược “hai chân”
Các ngân hàng ngoại khi gia nhập thị trường Việt Nam trước hết đều nhắm vào lĩnh vực bán buôn, không nhiều ngân hàng ngoại thành công ở lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, do có văn hóa kinh doanh tương tự Việt Nam, các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc đã nhanh chóng tiếp cận thị trường bán lẻ, nhắm tới hàng triệu khách hàng cá nhân là người Việt Nam.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc đã có mặt tại thị trường Việt Nam như: Shinhan Bank, Woori Bank, Lotte Card, Shinhan Card, Kexim, KEB Hana, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, Nonghyup… Có thông tin cho rằng, Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc cũng đang xúc tiến kế hoạch trở thành cổ đông của BIDV. Ồ ạt gia nhập thị trường, các ngân hàng Hàn Quốc đang dẫn đầu khối ngân hàng ngoại tại Việt Nam cả về quy mô, lẫn thị phần.
Vài năm gần đây, các ngân hàng này đang chuyển đổi chiến lược từ bán buôn sang bán lẻ. Theo đó, không chỉ phục vụ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, hơn 93 triệu người tiêu dùng Việt mới là đích nhắm của nhiều nhà băng Hàn Quốc.
Ông Shin Dong Min cho hay, mục tiêu phát triển mạnh mảng bán lẻ của Shinhan tại Việt Nam là đạt sự cân bằng giữa bán buôn và bán lẻ. Tuy vậy, không khó để thấy, miếng bánh béo bở tài chính tiêu dùng tăng trưởng với tốc độ 40-60% đang khiến không chỉ nhà đầu tư Hàn Quốc thèm khát.
Am hiểu thị trường và thói quen tiêu dùng của người Việt, nguồn vốn dồi dào, công nghệ hiện đại… đang là lợi thế của các ngân hàng Hàn Quốc tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Để cạnh tranh với các đối thủ Hàn Quốc, ngân hàng Việt sẽ phải cải thiện nhiều yếu tố, không chỉ về chất lượng dịch vụ, mà còn cả về mức phí và lãi suất.