Theo đó, trong số 346 nhà đầu tư đăng ký mua, chỉ 2 tổ chức, còn lại là 344 cá nhân đăng ký mua tổng cộng tới hơn 93 triệu cp, tức cao hơn 22% so số lượng chào bán. Điều đáng nói là 2 tổ chức chỉ đăng ký mua vỏn vẹn 700.000 cp.
Theo phương án cổ phần hóa, Hapro sẽ có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, trong đó IPO gần 76 triệu cp, tương đương 34,51% vốn; bán cho nhà đầu tư chiến lược 143 triệu cp, chiếm 65%; người lao động 791.200 cp. Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần sau IPO. Với giá chào bán khởi điểm là 12.800 đồng/cp, Hapro dự kiến thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này.
Ban Lãnh đạo Hapro cho biết, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro và trở thành cổ đông chiến lược. Mức giá chào bán tối thiểu sẽ không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của phiên IPO. Như vậy, mức giá tối thiểu Motor N.A Việt Nam bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro vào khoảng 1.830 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định số 1339/QĐ-UBND về việc Giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2018 cho Hapro. Theo đó, UBND Thành phố giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2018 của Hapro với tổng doanh thu 3.300.000 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế 14.200 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 0,65%…
Tại quyết định trên, UBND TP Hà Nội giao Hội đồng thành viên TCty có trách nhiệm chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần biểu quyết thông qua tại Đại hội đồng cổ đông các chỉ tiêu đánh giá đã được UBND Thành phố phê duyệt; Tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh đảm bảo có hiệu quả. Căn cứ hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và kết quả hoạt động của người quản lý doanh nghiệp quy định; gửi báo cáo UBND Thành phố, Sở Tài chính trước ngày 30/4/2019.
Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Hapro sẽ tập trung đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tcty, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu.
Sau cổ phần hóa, Hapro đề ra mục tiêu xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực nằm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước gồm: Gạo; Hạt tiêu; Hạt điều; Cà phê; Thủ công mỹ nghệ. Mặt khác, Hapro tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của hệ thống thương mại nội địa theo phương châm: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sự khác biệt, ưu tiên tối đa cho hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Hapro và Việt Nam vào hệ thống kinh doanh.
Đặc biệt, Hapro tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng trong và ngoài nước, tạo kênh hàng hóa đa chiều gắn với thương hiệu Hapro phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, nhất là: Hoa quả tươi, gạo, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, công nghệ phẩm, thủy hải sản chế biến, công nghiệp tiêu dùng,…Đồng thời hướng tới mô hình TCty gọn nhẹ, linh hoạt, hiện đại và chuyên môn hóa cao; cả về công nghệ quản lý, điều kiện phương tiện làm việc và chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Theo ông Vũ Thanh Sơn-Tổng Giám đốc Hapro, để có thể thực hiện được các mục tiêu và kế hoạch cụ thể đã đặt ra, các giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng đã được đưa ra trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – TCty và đã được UBND TP Hà Nội, Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo sau cổ phần hóa TCty tiếp tục hoạt động và phát triển theo đúng định hướng, có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, tạo sức bật cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…