Trong khi chứng khoán Âu, Á đóng cửa trước đó mấy tiếng chìm trong sắc đỏ do lực bán tháo ồ ạt diễn ra trên diện rộng khi giới đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại leo thang, thì trên thị trường chứng khoán Mỹ, dù cũng mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau đó đã đảo chiều nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Cũng giống chứng khoán Âu, Á, phố Wall mở cừa trong sắc đỏ sau khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, ông đã được chỉ đạo tăng thuế đề xuất trước đó đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Đáp lại, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc gọi kế hoạch này là “tống tiền”. Tuy nhiên sau đó, với sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu công nghệ, được dẫn dắt bởi Apple khi cổ phiếu của nhà sản xuất iphone tăng 2,9%, đưa giá trị vốn hóa của nó vượt 1.000 tỷ USD và kéo hàng loạt đại gia công nghệ khác tăng theo như Facebook, Alaphabet, Netflix, Amazon, giúp S&P 500 đảo chiều và Nasdaq tăng vọt hơn 1,2% khi chốt phiên. Trong khi đó, Dow Jones cũng đảo chiều trở lại, nhưng thiếu chút may mắn nên vẫn đóng cửa sát dưới ngưỡng tham chiếu.
Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu của hãng sản xuất xe điện Tesla thậm chí tăng 16,2% dù vừa có báo cáo lỗ kỷ lục trong quý II/2018. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại bị thuyết phục và tin tưởng vào lợi nhuận trong tương lai của hãng.
Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 7,66 điểm (-0,03%), xuống 25.326,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,86 điểm (+0,49%), lên 2.827,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 95,40 điểm (+1,24%), lên 7.802,68,68 điểm.
Cũng giống chứng khoán châu Á, áp lực bán tháo cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán châu Âu khi giới đầu tư lo lắng về cuộc chiến thương mại leo thang. Ngoài ra, chứng khoán Đức giảm mạnh tới 1,5% còn do kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Tập đoàn Siemens.
Kết thúc phiên 2/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 76,98 điểm (-1,01%), xuống 7.575,93 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 190,72 điểm (-1,50%), xuống 12.546,33 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 37,38 điểm (-0,68%), xuống 5.460,98 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Mỹ dọa sẽ đánh thuế 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, lực bán tháo đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau đó lan rộng sang các thị trường khác, kéo các chỉ số chính trong khu vực lao dốc trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 234,17 điểm (-1,03%), xuống 22.512,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 626,18 điểm (-2,21%), xuống 27.714,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 56,51 điểm (-2,00%), xuống 2.768,02 điểm.
Giá vàng tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất hơn 1 năm khi đồng USD tăng sau khi Fed đánh giá lạc quan về nền kinh tế Mỹ và giữ kỳ vọng tăng lãi suất trong tháng 9.
Kết thúc phiên 2/8, giá vàng giao ngay giảm 8,3 USD (-0,68%), xuống 1.207,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,4 USD/ounce (-0,36%), xuống 1.220,1 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại sau 2 phiên giảm mạnh trước đó khi một báo cáo cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ sớm giảm trở lại sau khi bất ngờ tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước.
Theo đó, thông tin từ Genscape cho biết, hàng tồn kho tại Cushing, Oklahoma – trung tâm giao hàng của Mỹ giảm 1,1 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc vào ngày 27/7).
Kết thúc phiên 2/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,30 USD (+1,90%), lên 68,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,06 USD (+1,50%), xuống 73,45 USD/thùng.