VHG vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 với doanh thu cung cấp hàng hóa và dịch vụ chưa phát sinh, ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp không có doanh thu và cũng là quý thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp này lỗ ròng gần 7 tỷ đồng.
Lũy kế đến quý 2/2018, tổng số lỗ của VHG đã tăng lên 1.026 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý 2, giá trị tài sản ngắn hạn của VHG là 10,7 tỷ đồng (thời điểm đầu năm là 176,8 tỷ đồng), trong khi nợ phải trả là 137,7 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 43,7 tỷ đồng.
Giải thích cho vấn đề này, VHG cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục nỗ lực việc tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu đầu tư nên hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.
Tuy nhiên, VHG cho hay, với việc tái cấu trúc hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư một công ty trong lĩnh vực nhựa, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh nhựa và ống nhựa mà VHG đã có kinh nghiệm từ trước.
Dự kiến bắt đầu từ quý 3/2018, VHG sẽ bắt đầu có doanh thu từ mảng hoạt động này, và từ đó trở đi sẽ mang lại hoạt động thường xuyên liên tục và ổn định cho doanh nghiệp này.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang gấp rút hoàn thành quá trình tái cơ cấu, tập trung nguồn lực để ổn định phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tiếp tục triển khai xúc tiến hoạt động thương mại trong lĩnh vực phân bón, hóa chất, nông sản và các sản phẩm khác nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt VHG cũng đẩy mạnh công tác thu hồi các khoản nợ quá hạn đã trích lập dự phòng, để hoàn nhập chi phí làm gia tăng lợi nhuận trong năm 2018.
Trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp này đã và đang rất cổ gắng từng bước tháo gỡ những vấn đề của mình. Hiện tại, theo VHG, các vấn đề tài chính của doanh nghiệp đã an toàn hơn trước rất nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên đang đần đi vào quy củ và ổn định.
Khi tình trạng thua lỗ kéo dài nhiều quý, không chỉ khiến tài sản, uy tín doanh nghiệp sụt giảm, mà niềm tin của nhà đầu tư cũng bị xói mòn. Con số thua lỗ không chỉ cho biết khó khăn trong hoạt động, mà còn phản ánh nhiều vấn đề trong quản trị, định hướng điều hành của doanh nghiệp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đã từng trải qua thời kỳ khó khăn khiến công ty thua lỗ hàng trăm tỷ đồng chia sẻ, những cú “sốc” trên thị trường, ngoài ảnh hưởng tiêu cực, cũng mang ý nghĩa tích cực nhất định. Đó là sự thử thách khả năng phản ứng, nội lực của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận ra những yếu kém để kịp thời khắc phục, tái cấu trúc. Đây là điều khó thấy trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi.
Ở góc độ nhà đầu tư, đầu tư vào doanh nghiệp trong giai đoạn thua lỗ, thị giá cổ phiếu xuống thấp có thể là cơ hội nếu hiểu rõ câu chuyện và tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, thua lỗ là tín hiệu cảnh báo rõ nét nhất về khó khăn, mà doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như những rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt.