Cụ thể, doanh thu 9 tháng đầu năm của TTS đạt trên 1.131,3 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, nhưng lãi gộp của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 54,7 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán trong kỳ tăng cao, lên đến 755 tỷ đồng. Theo đó, biên lãi gộp của Công ty cũng giảm từ 7,36% xuống còn 4,83%.
Trong khi đó, lãi vay cũng đang là khoản khiến TTS phải đau đầu. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty phải gánh tới hơn 50 tỷ đồng chi phí lãi vay. Do đó, gần như toàn bộ số tiền mà Công ty thu về từ hoạt động kinh doanh chỉ dùng để trả lãi vay.
Hiện nay, tình hình kinh doanh của TTS gặp rất nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ thép giảm, công ty đã phải tạm dừng sản xuất trên 50 ngày trong quý 3 vừa qua trong khi vẫn phải gánh các khoản chi phí phát sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến TTS bị thua lỗ trong quý 3.
Tính đến 30/9/2018 tổng tài sản công ty đạt 1.281 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Hiện nợ phải trả chiếm tới hơn 80% cơ cấu tài sản của TTS. Cụ thể, nợ phải trả 1.057 tỷ đồng, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 286 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 423 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 224 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 508 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là phải thu ngắn hạn của Công ty 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ lên 209 tỷ đồng, chủ yếu là do khoản phải thu từ CTCP Gang thép Thái Nguyên.
TTS có ba cổ đông sáng lập là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Trung Dũng và Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Hà Nam.
Được biết, TTS chính thức đưa 50,8 triệu cổ phiếu vào giao dịch tại UPCoM vào ngày 17/5/2017, giá tham chiếu thấp hơn mệnh giá, chỉ 4.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi chào sàn, giá cổ phiếu TTS đã tăng từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên 7.300 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu TTS đi ngang với mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu cho đến nay, thanh khoản cực kỳ thấp, gần như không có giao dịch.