Đơn hàng xuất khẩu (XK) của nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ hiện đã kín đến hết năm 2018. Số liệu thống kê cho thấy nửa đầu năm nay, XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt kim ngạch 4,13 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thiếu tính bền vững
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ, các thị trường XK chủ lực gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản. Trong đó, cầu tại thị trường Trung Quốc với các sản phẩm gỗ Việt rất lớn, tiêu thụ nhiều các sản phẩm gỗ tròn, gỗ xẻ, ván bóc, ván ghép thành phẩm…, tuy nhiên đây là thị trường có tính biến động cao.
Giới chuyên gia quốc tế nhận định kim ngạch XK đồ gỗ Việt vẫn tiếp tục gia tăng, còn dư địa để phát triển. Thế nhưng, tăng trưởng XK của ngành chủ yếu do mở rộng XK các sản phẩm có giá trị thấp, các hợp đồng XK không có tính bền vững trong dài hạn bởi có sự cạnh tranh không lành mạnh ở ngành gỗ châu Á.
Một số ý kiến từ giới DN đánh giá ngành này vẫn tồn tại một số vấn đề mang tính hệ thống và đã đến lúc cần có những thay đổi lớn nhằm giải quyết các tồn tại để phát triển bền vững ngành trong tương lai.
Tồn tại này thể hiện qua các mặt như sử dụng lao động giá rẻ, nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ lệ còn cao trong cơ cấu giá thành (40-50%) với giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp.
Đặc biệt, cũng theo ông Tô Xuân Phúc, việc thiếu liên kết đã làm lãng phí nguồn lực trong đầu tư, đặc biệt là trong khâu dự trữ nguyên liệu của các DN chế biến gỗ. Trong khi đó, việc chủ động về nguyên liệu gỗ đầu vào đáng lẽ phải là một trong những điều kiện quan trọng đối với các DN ngành chế biến gỗ, nhằm chủ động đáp ứng các đơn hàng của người mua.
Tại Hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản XK diễn ra ở Tp.HCM ngày 8/8, qua tiếp xúc với giới DN ngành gỗ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kim ngạch XK đồ gỗ trong năm nay có thể đạt 9 tỷ USD. Nếu tình hình thị trường lạc quan thì sang năm tới có thể đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Làm sao trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản XK Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, XK của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt được mức kim ngạch lý tưởng này, theo lưu ý của Thủ tướng, các DN cần sử dụng nguyên liệu hợp pháp, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích phát triển DN chế biến.
Liên kết để phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều quan trọng là phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam. Mặt khác, cần biết rằng tình trạng XK đồ gỗ thông qua đối tác nước ngoài thì hiệu quả giá trị được nhận trực tiếp còn thấp.
Nguồn nguyên liệu được cho là một trong những áp lực lớn trong XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay. Theo tính toán, để kim ngạch XK vượt 10 tỷ USD, nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm 4 – 5 triệu m3/ năm, thách thức không nhỏ trên con đường thúc đẩy tăng trưởng XK sản phẩm gỗ.
Từ khi thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, nguồn cung nguyên liệu trong nước vẫn còn hạn chế, chỉ đảm bảo được khoảng 80% nhu cầu. Nguồn cung gỗ trong nước chủ yếu là nguồn gỗ rừng trồng với chất lượng còn thấp, lượng khai thác hàng năm khoảng trên 24 triệu m3 gỗ tròn.
Gỗ có kích thước lớn từ nguồn này chỉ chiếm 20-30%, là lượng gỗ có thể được đưa vào chế biến đồ gỗ XK và tiêu thụ nội địa. Phần còn lại (70 – 80%) là gỗ nhỏ, chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu dăm để XK.
Đáng chú ý, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 – 5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn với kim ngạch khoảng 2,2 – 2,3 tỷ USD, trong đó tính hợp pháp của một số loại gỗ quý nhập khẩu còn gây rất nhiều tranh cãi.
Chưa kể, trong bối cảnh các DN XK đồ gỗ đối mặt nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu, một nỗi lo khác là tình trạng ồ ạt XK gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc được phản ánh hồi năm ngoái và năm 2016.
Với nhu cầu nguyên liệu trung bình 29 – 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu hàng năm, thách thức lớn với ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay là phải vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và XK.
Để phát triển nguồn gỗ nguyên liệu, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc công ty Scansia Pacific, cho rằng ngành gỗ nên đi theo hướng liên kết phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn của Hội đồng quản lý rừng (FSC). Điều này vừa có thể mang lại lợi ích cho người dân vừa mang lại nguồn nguyên liệu ổn định cho DN.
Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ Việt được đánh giá là ở giai đoạn đầu của phát triển và việc liên kết cần nhiều thời gian hơn để hình thành và phát triển.
Theo các DN ngành gỗ, một trong những yếu tố cơ bản để hình thành liên kết là lòng tin và các DN trong ngành này sẽ cần nhiều thời gian để hình thành hệ thống lòng tin lẫn nhau.