Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, người trực tiếp tham gia xử lý việc tồn đọng hơn 5000 container phế liệu ở cảng Hải Phòng năm 2013.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tồn đọng cả chục nghìn container phế liệu nhập khẩu?
Nguyên nhân trực tiếp là do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải khiến việc xuất khẩu sang đó bị đình lại, dẫn đến tồn đọng. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện mới. Việc tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng diễn ra từ lâu. Năm 2013, tôi cùng với đoàn công tác của Tổng cục Môi trường đã nhiều lần xuống làm việc với cảng Hải Phòng để tìm biện pháp xử lý hàng nghìn container phế liệu tồn đọng ở cảng này.
Hiện nay, Việt Nam cho phép nhập khẩu phế liệu. Chính phủ ban hành danh mục các loại phế liệu được nhập khẩu. Các phế liệu này được phép nhập khẩu dùng cho sản xuất trong nước và phải đáp ứng các quy chuẩn. Ðơn vị nhập khẩu phế liệu phải ký quỹ để trong trường hợp bỏ của chạy lấy người thì Nhà nước có quỹ để xử lý.
Tuy nhiên, tôi nghĩ việc tồn đọng phế liệu tại các cảng không nằm ở nhóm phế liệu nhập khẩu dùng cho mục đích sản xuất. Hiện nay có một thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không muốn chi trả cho việc xử lý, tái chế chất thải nên họ tìm cách tuồn ra nước khác. Một số đối tượng ở Việt Nam có thể nhận nguồn chất thải này đưa về Việt Nam sau đó tìm cách tái xuất sang Trung Quốc. Ðây hầu hết là những chất thải cấm, không được phép nhập khẩu với tạp chất nhiều, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các đối tượng này thường làm theo kiểu, sự việc trót lọt thì họ nhận tiền, không trót lọt thì bỏ dẫn đến tồn đọng. Họ cũng có nhiều cách gian lận khác như khai báo nhập khẩu một đằng nhưng sản phẩm nhập khẩu lại là phế liệu.