Số liệu từ Hội Thẻ ngân hàng cho thấy, năm 2006, toàn thị trường mới có khoảng 5 triệu thẻ ATM, thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 132 triệu. Trong số đó, chỉ có 77 triệu thẻ là hoạt động, còn lại 55 triệu thẻ là thẻ “rác”.
Bên cạnh nhu cầu thực, việc thẻ ATM ngày càng phổ biến là bởi chi phí và thủ tục mở thẻ rất đơn giản. Chỉ cần đủ 18 tuổi, mang chứng minh nhân dân đến chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng đăng ký và nộp 50.000 đồng phí mở thẻ là có thể sở hữu 1 chiếc thẻ ATM . Thậm chí, nếu chủ thẻ có việc bận, ngân hàng còn chấp nhận người khác mở hộ thẻ. Thực tế, có những chiếc thẻ được lập ra chỉ để thực hiện một vài giao dịch tiếp tay cho đối tượng phạm tội.
Mới đây, ngày 12/6/2018, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án…
Các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dân ra một ngân hàng khác để mở tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking nhưng bằng số điện thoại của kẻ lừa đảo. Sau đó, các đối tượng đăng nhập tài khoản và chuyển tiền của bị hại sang tài khoản khác qua Internet Banking để chiếm đoạt tiền.
Thực tế, thủ đoạn này đã từng được áp dụng trước đó, nhưng mới là ở cách thức thực hiện. Điển hình như vụ án Ma Thiếu Quân (sinh năm 1973, ở Lạng Sơn) tiếp tay cho đường dây gọi điện thoại giả danh công an chiếm đoạt hàng tỷ đồng của những người “nhẹ dạ cả tin”.
Theo nội dung vụ án, khoảng giữa năm 2016, nhóm của Quân được một đối tượng tên là Lâm, người Trung Quốc (chưa rõ lai lịch) rủ tham gia kiếm tiền. Nhiệm vụ của Quân rất đơn giản là tìm nhiều người để mở các tài khoản ngân hàng rồi báo thông tin về cho Lâm. Mỗi khi tài khoản báo có tiền, Lâm sẽ thông báo cho nhóm của Quân đi rút rồi chuyển lại tiền cho Lâm. Mỗi người sẽ được trả công 600.000 đồng/1 ngày. Lâm yêu cầu rủ càng nhiều người mở thẻ và rút tiền càng tốt.Theo đó, Quân đã rủ thêm 4 người khác cùng tham gia.
Nhóm của Quân đã dùng chứng minh nhân dân mở một loạt tài khoản ngân hàng khác nhau trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Có người mở 4-5 thẻ ngân hàng để phục vụ cho mục đích trên.
Cơ quan điều tra xác định, nhóm này đã trực tiếp tiếp tay cho những đối tượng người Trung Quốc chuyên gọi điện giả danh công an, viện kiểm sát… để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng của các bị hại. Do cần tài khoản ở Việt Nam, bọn chúng lôi kéo nhóm Quân tham gia. Số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng sau đó được chuyển sang Trung Quốc.
Trong một vụ án khác, cán bộ ngân hàng cũng vô tình mở thẻ ngân hàng, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo. Khoảng tháng 5/2015, do cần tiền chi tiêu, Đào Văn Đạt (sinh năm 1992, ở Bắc Ninh) đã giả danh giảng viên Trường Đại học Hà Nội, giới thiệu trên Internet rằng có thể “chạy” các loại chứng chỉ tiếng Anh như TOEFL, IELTS, TOEIC… mà không phải thi, hoặc nếu thi sẽ đảm bảo đỗ.
Thời gian đó, Đạt gặp ông Nguyễn Xuân Ký (ở Quảng Ninh) và biết ông Ký có nguyện vọng thi chứng chỉ tiếng Anh B2 châu Âu. Đạt nhận của ông Ký 6 triệu đồng cùng chứng minh thư nhân dân để làm thủ tục ôn thi. Không thực hiện như cam kết, Đạt chiếm đoạt chứng minh thư nhân dân bản chính và tiền của ông Ký.
Có chứng minh nhân dân, Đạt liên hệ với người quen làm việc trong ngân hàng để mở các tài khoản ATM đứng tên ông Nguyễn Xuân Ký. Sau khi mở tài khoản ngân hàng, khi có người liên hệ “chạy” chứng chỉ ngoại ngữ, Đạt nói mình đang ở nước ngoài và giới thiệu ông Nguyễn Xuân Ký giải quyết. Thực chất, Đạt đóng vai ông Ký trao đổi, liên hệ và thỏa thuận với khách hàng. Nhiều người đã gửi tiền vào tài khoản trên và bị chiếm đoạt gần 200 triệu đồng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định các cán bộ ngân hàng vi phạm quy định của ngân hàng. Tuy nhiên, những người này không biết mục đích Đạt mở tài khoản để lừa đảo, không tham gia cùng Đạt và không được hưởng lợi từ hành vi lừa đảo của Đạt nên không bị xử lý.
Những vụ án như trên trong thời gian qua không còn hiếm gặp, qua đó cho thấy có những lỗ hổng và nguy cơ tiềm ẩn từ những chiếc thẻ ATM ngân hàng được phát hành dễ dãi.