Xuất khẩu ấn tượng
Mới qua 7 tháng, xuất khẩu cả nước đã lớn hơn mức của cả năm 2013 trở về trước. Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đạt cao hơn tốc độ tăng của cả năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó, có một số mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch còn cao hơn tốc độ tăng chung, như rau quả, gạo, thức ăn gia súc và nguyên liệu, clanke và xi măng, xăng dầu các loại, hoá chất, sắt thép các loại…
Có 22 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày…). Trong 2 khu vực, khu vực kinh tế trong nước (không kể dầu thô) đã tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (18,7% so với 14,0%).
Theo địa bàn, đã có 17 tỉnh/ TP đạt từ 1 tỷ USD trở lên (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Thanh Hoá, Quảng Ninh). Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm nhẹ cả về quy mô tuyệt đối (15.131 triệu USD so với 15.177 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (38,8% so với 46,2%), xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng cả về quy mô tuyệt đối (18,194 triệu USD so với 12,559 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (15,1% so với 19,2%).
Khả năng nhập siêu trở lại
Bên cạnh những kết quả tích cực thì xuất khẩu vẫn còn những hạn chế, thách thức không nhỏ, trong đó nổi bật là tăng trưởng chậm lại, không đạt mục tiêu và có khả năng nhập siêu trở lại.
Theo đó, tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm có một số điểm đáng lưu ý: Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước chậm lại; chậm lại tương đối nhanh; chậm lại liên tục; chậm lại trong thời gian tương đối dài; có thể còn tiếp tục chậm lại nữa trong những tháng tới. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của kỳ 7 tháng chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm.
Nhiều mặt hàng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt được mức cao (tới hạn) đã tăng chậm lại. Theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu đã bị giảm so với cùng kỳ (cà phê, chè, hạt tiêu, dầu thô, cao su, túi xách, vali, mũ, ô dù…). Có một số mặt hàng kim ngạch tăng thấp hơn.
Theo địa bàn, kim ngạch xuất khẩu của một số tỉnh/TP tăng thấp (TP Hồ Chí Minh tăng 5,8%; Thái Nguyên tăng 2,2%; Bình Dương tăng 8,6%…). Một số địa bàn có kim ngạch nhỏ hoặc bị giảm (như Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Ninh Thuận, Phú Yên, Tuyên Quang).
Theo thị trường, 6 tháng 2018 so với cùng kỳ, có tới 29 thị trường bị giảm, trong đó có 4 thị trường giảm trên 100 triệu USD (Italia, Nam Phi, Mexico, Malaysia). Tốc độ tăng xuất khẩu sang Mỹ chậm lại, nhập khẩu tăng cao hơn. Về nhập siêu, trong 7 tháng qua có 2 tháng nhập siêu (tháng 5 và tháng 7). Khu vực trong nước nhập siêu còn lớn.
Cuộc chiến tranh thương mại đã lan rộng ra nhiều nền kinh tế trên thế giới. Cuộc chiến tranh tiền tệ cũng đã bắt đầu xuất hiện (tỷ giá NDT/USD tăng mạnh lên đến 9%), trong khi Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc. Gần đây lại xuất hiện dự báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế chu 10 năm một lần có thể xảy ra. Tỷ giá thương mại của Việt Nam đã chuyển từ trên 100% trong 4 năm trước sang nhỏ hơn 100% trong 6 tháng đầu năm nay (khi chia chỉ số giá xuất khẩu cho chỉ số giá nhập khẩu – nếu lớn hơn 100% thì xuất khẩu có lợi tức là khuyến khích xuất khẩu, nếu nhỏ hơn 100% thì xuất khẩu bị thiệt, tức là không khuyến khích xuất khẩu).
Các diễn biến trên sẽ làm cho tốc độ tăng xuất khẩu giảm, tốc độ tăng nhập khẩu cao lên; việc xuất siêu sẽ khó cao như dự đoán trước đây, thậm chí sẽ nhập siêu, tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán, thị trường ngoại hối của Việt Nam…