Phần lớn kiều hối chuyển về Việt Nam là từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Lượng tiền được đầu tư nhiều vào sản xuất và kinh doanh thay vì bất động sản, cổ phiếu hoặc tiền tiết kiệm như trước đây. Cụ thể, khoảng 72% kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất kinh doanh, 22% được đổ vào bất động sản và 6% còn lại là tiêu dùng cá nhân. Với cơ cấu lượng kiều hối như trên, TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng rất hiệu quả nguồn lực này vào phát triển kinh tế xã hội của TP.
Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn là nơi nhận lượng kiều hối lớn nhất tại Việt Nam, với số tiền 5,2 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 4,5%. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã áp mức lãi suất bằng 0% tiền gửi bằng USD, nhưng vẫn có dòng kiều hối ổn định chuyển về nước chủ yếu là do số lượng lớn người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người làm việc ở nước ngoài gửi về; sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ linh hoạt và cải thiện môi trường kinh doanh.
Dự báo, kiều hối trong năm 2018 chuyển về TP sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước, ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lần 2 trong năm 2018, lên 1,75% – 2%/năm và chính sách lãi suất đồng USD Việt Nam hiện vẫn đang duy trì ở mức 0%.
Ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, kể cả trước những biến động tài chính, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại thì lo ngại dòng tiền bị giữ chân tại những quốc gia có đồng tiền mạnh cũng chưa chắc. Vì nếu xét ở góc độ đầu tư tài chính, nhà đầu tư thường sẽ ít chọn quốc gia mà có đồng tiền giá trị cao, thay vì đó sự lựa chọn nghiêng về những thị trường mới nổi, có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh nhà đầu tư sẽ quyết định đồng tiền của mình được chảy tới nơi có khả năng sinh lời cao nhất. Về điều kiện này thì Việt Nam hội đủ và sẽ là cơ sở để tiếp tục thu hút nguồn kiều hối.