Giá dầu WTI tương lai giảm 1,1 USD, tương đương 1,6%, xuống 67,66 USD/thùng. Giá dầu Brent tương lai giảm 1,82 USD, tương đương 2,5%, xuống 72,39 USD/thùng.
Dự trữ dầu thô Mỹ tăng 3,8 triệu thùng trong tuần trước do nhập khẩu tăng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Giới phân tích trước đó kỳ vọng mức tăng 2,8 triệu thùng. Số liệu cũng cho thấy nhu cầu tại Mỹ đang tăng.
“Khá bất ngờ khi dự trữ dầu thô tăng trong khi dự trữ xăng giảm vượt dự kiến”, Tariq Zahir, thành viên Tyche Capital Advisors, nói.
Dự trữ xăng tại Mỹ giảm 2,5 triệu thùng còn dự trữ dầu thô tại Cushing, bang Oklahoma, một cửa ngõ giao dầu tương lai của Mỹ, giảm 1,3 triệu thùng, EIA cho biết. Trước đó, cơ quan này thông báo sản lượng dầu thô của Mỹ giảm 30.000 thùng/ngày xuống còn 10,44 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Giá dầu còn chịu áp lực bởi lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu có thể cản trở tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ tiếp tục có biện pháp cản trở thương mại, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.
Trong tháng 7, giá dầu Brent giảm hơn 6% còn giá dầu WTI giảm khoảng 7%, mức giảm trong tháng lớn nhất đối với cả hai chỉ số kể từ tháng 7/2016.
Sản lượng trung bình của Nga tháng 7 cao hơn mức Moscow từng cam kết sau cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các quốc gia phi thành viên hồi tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói ngày 1/8.
Sản lượng cao hơn do nhu cầu duy trì sự ổn định của thị trường. Trong tháng 7, Novak từng nói Nga có thể vượt mức tăng 200.000 thùng/ngày nếu cần.
Một quan chức Kuwait cho biết nước này trong tháng 7 tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày so với mức trung bình tháng 6. Một khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng của OPEC đạt đỉnh 2018 trong tháng 7.