Sáng 22/6, Bộ Y tế công bố các khuyến nghị mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường (hay nước ngọt). Giống như nhiều nước khác trên thế giới, mức tiêu thụ nước ngọt đang tăng nhanh tại Việt Nam. Năm 2000, mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người ở Việt Nam 6 lít, năm 2016 lên đến 44 lít.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của tổ chức Euromonitor International, năm 2016 Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ lít nước ngọt. Trong đó, nhiều nhất là trà uống liền với hơn 2 tỷ lít; tiếp theo là đồ uống có ga (hơn một tỷ lít), sau đó mới đến nước uống thể thao, nước tăng lực, nước ép trái cây.
Báo cáo này cho thấy thị trường đồ uống có ga đang mở rộng rất nhanh ở Việt Nam, từ chưa đến 600 triệu lít vào năm 2010 lên hơn 800 triệu lít vào năm 2014. Mức tăng trưởng bình quân của thị trường này là 9,2% mỗi năm.
Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh của WHO cũng cho thấy tỷ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên uống nước ngọt có ga trong 30 ngày vừa qua là khoảng 31%.
Bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng cho biết, dự báo năm 2018 mức tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam đạt hơn 5 tỷ lít, đến năm 2025 sẽ lên 11 tỷ lít. Tiêu thụ và sản xuất đường tại nước ta cũng tăng đều hàng năm 30-40%, đặc biệt tiêu thụ vượt cả mức sản xuất.
“Nước ngọt rất được trẻ em và giới trẻ yêu thích, trong khi đó đồ uống có đường khiến cơ thể dư thừa năng lượng, dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa. Chúng là nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương…”, ông Trương Đình Bắc nói.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh. 25% dân số trưởng thành bị thừa cân, béo phì. Trong 15 năm qua, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân béo phì tăng nhanh từ 0,6% lên 5,3%. Tỷ lệ này đặc biệt tăng nhanh tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.
Theo WHO, chế độ ăn uống trung bình hằng ngày cung cấp 2.000 kcal, trong 10% tổng lượng calo tương đương 50 g đường tự do (gồm đường đơn; đường đôi; đường tự nhiên có trong mật ong, nước ép trái cây…). Để có lợi cho sức khỏe nên giảm tiêu thụ lượng đường này xuống dưới 5% tổng lượng calo tiêu thụ mỗi năm.
Một lon nước ngọt chứa khoảng 36 g đường tự do. Trong một ngày, nếu một đứa trẻ chỉ uống một lon hoặc một chai đồ uống có đường thì lượng đường tiêu thụ đã vượt quá ngưỡng khuyến cáo.
WHO khuyến cáo mức tiêu thụ đường tự do của một người là dưới 25 mg một ngày. Trung bình một người Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do một ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa 50 g và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ WHO khuyến cáo.
Đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ và đồ uống, chất lỏng, nước quả cô đặc; nước có pha hương vị; đồ uống năng lượng và đồ uống dành cho thể thao; trà uống liền; cà phê pha sẵn và sữa pha hương vị.