Mới đây, việc Sabeco chính thức bổ sung hai ứng viên đến từ tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) vào Hội đồng quản trị cho thấy, sau khi thâu tóm thành công “đại gia” ngành bia rượu tại Việt Nam, người Thái đã bắt đầu một chiến lược nhân sự mới để kỳ vọng giữ vững thị phần và khẩu vị người tiêu dùng bia Việt với các nhãn hiệu của Sabeco.
Quan sát sự cạnh tranh của thị trường bia – nước giải khát tại Việt Nam trong vòng 5-7 năm trở lại đây có thể thấy, thị trường béo bở này có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá tốt so với các ngành khác. Tuy nhiên, do đặc thù tiêu thụ của mặt hàng đặc biệt này, hàng loạt các tập đoàn lớn (cả trong nước và nước ngoài) đã không hề dễ dàng để xâm chiếm thị phần.
Nhìn lại những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hãng Asia Pacific Breweries Limited (APB) đã tung ra dòng sản phẩm bia nhãn hiệu Foster’s Lager, nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp tại Việt Nam; nhưng đã “ngã ngựa” sau 10 năm kinh doanh và phải bán lại toàn bộ thị trường Việt Nam cho liên danh VBL vì không chịu được những kết quả kinh doanh thua lỗ.
Năm 2006, tập đoàn sữa số 1 Việt Nam là Vinamilk đặt chân vào lĩnh vực bia bằng cách liên doanh với SABmiller cho ra đời nhà máy bia SABmiller tại Bình Dương và ra mắt thương hiệu bia Zorok với đại sứ thương hiệu là ông Henrique Calisto, (HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam thời điểm này). Tuy nhiên, Zorok cũng đã chết yểu và chỉ 2 năm sau khi bắt tay với SABmiller, Vinamilk đã buộc phải nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho hãng này và ngậm ngùi chứng kiến thị phần thương hiệu bia Zorok ngày càng teo tóp tại thị trường Việt.
Một tập đoàn trong nước khác là Tân Hiệp Phát cũng đã từng bước chân vào thị trường bia. Theo đó, năm 2003, DN này mạnh dạn đầu tư 20 triệu USD cho dự án sản xuất bia tươi đóng chai với nhãn hiệu Laser với tham vọng xâm chiếm thị phần bia tươi cao cấp. Nhưng kết quả không như kỳ vọng, bia tươi Laser tồn tại với Tân Hiệp Phát đúng 8 tháng sau khi ra mắt thị trường và sau đó thì hoàn toàn biến mất.
Ba trường hợp kể trên là điển hình minh chứng cho thực tế không dễ dàng khi xâm nhập vào thị trường bia tại Việt Nam. Bởi ngoài APB, Vinamilk, Tân Hiệp Phát, ngành bia trong vòng 5-7 năm gần đây cũng đã chứng kiến việc đến và đi của những tên tuổi lớn như San Miguel, Carlsberg, Firestone… Điều này cho thấy xâm nhập thị trường bia Việt tưởng dễ mà không hề dễ.
Trở lại câu chuyện của ThaiBev, khi tiếp quản hơn 1/2 vốn của Sabeco, tập đoàn này sở hữu 40% thị phần người tiêu dùng bia tại Việt Nam, lớn hơn nhiều so với hai đối thủ chính là Heineken và Habeco với thị phần tương ứng 28% và 18%.
Tuy nhiên, Sabeco lại đang đứng trước nguy cơ bị chia sẻ thị phần bởi theo chuyên gia kinh tế Võ Văn Quang – người từng tư vấn cho nhiều hãng bia tại Việt Nam – thắng thua trong ngành bia phụ thuộc vào bí quyết marketing chứ không hẳn do vấn đề tài chính và công thức sản phẩm.
Với sự lấn lướt của bia Sapporo của Nhật ở phân khúc cao cấp khu vực ngoại thành, bia Sư Tử Trắng ở khu vực Tây Nam bộ; Bia Đại Việt, bia Huda ở khu vực miền Bắc và miền Trung… ông Quang cho rằng sự cạnh tranh, tranh giành thị phần của các nhãn hiệu của Sabeco trong thời gian là hết sức khốc liệt.
Chưa kể rằng để thâu tóm Sabeco, ThaiBev đã phải vay hàng trăm tỷ Baht và 1,95 tỷ USD từ các nhà băng Thái Lan. Sức ép nợ vay sẽ khiến ThaiBev dồn dập hơn trong các chiến lược đổi mới sản phẩm và tăng doanh thu từ các nhãn hiệu bia Sabeco. “Tuy nhiên, khẩu vị người dùng bia là một khẩu vị khó chịu và tất cả các nhà đầu tư đều sẽ phải đánh cược” – ông Quang nói.
Trong một chừng mực lạc quan, giới phân tích vẫn nhận định rằng, theo quy hoạch đến năm 2025 tăng sản lượng ngành bia Việt Nam sẽ đạt khoảng 4,6 tỷ lít. Mức tăng trưởng 5% duy trì bền vững trong vài năm gần đây cho thấy đầu tư vào ngành bia dù không quá lợi nhuận nhưng vẫn chưa đến mức thua lỗ.
Cơ hội cho ThaiBev sẽ sáng rõ hơn nếu với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài này, hãng Sabeco vươn ra được các thị trường khu vực như cam kết của tỷ phú Thái Lan – Charoen Sirivadhanabhakdi đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào giữa tháng 6 vừa qua.